Iran sẽ bỏ qua những hạn chế về dự trữ urani theo JCPOA

Người phát ngôn AEOI cho biết: "Giai đoạn chuẩn bị để vượt qua giới hạn dự trữ 300kg urani được làm giàu đã bắt đầu và trong thời gian 10 ngày… chúng tôi sẽ vượt qua giới hạn này."
Iran sẽ bỏ qua những hạn chế về dự trữ urani theo JCPOA ảnh 1Kỹ thuật viên làm việc trong cơ sở làm giàu urani Isfahan, cách thủ đô Tehran của Iran 420km về phía Nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 17/6, người phát ngôn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi tuyên bố rằng kể từ ngày 27/6, Iran sẽ bỏ qua những hạn chế về dự trữ urani theo Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Tehran và các quốc gia thuộc nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức).

Phát biểu tại buổi họp báo được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, ông Kamalvandi nêu rõ: “Hôm nay (17/6) - giai đoạn chuẩn bị để vượt qua giới hạn dự trữ 300kg urani được làm giàu đã bắt đầu và trong thời gian 10 ngày… chúng tôi sẽ vượt qua giới hạn này."

Tuyên bố của ông Kamalvandi được đưa ra từ nhà máy hạt nhân Arak, Tây Nam Iran. Quan chức Iran nhấn mạnh rằng “điều này dựa trên các điều 26 và 36 của thỏa thuận hạt nhân và sẽ được đảo ngược một khi những bên khác tham gia thỏa thuận tuân thủ theo những cam kết của họ."

[Iran tuyên bố sẽ có bước đi tiếp theo để giảm cam kết trong JCPOA]

Theo ông Kamalvandi, Tehran có thể tăng làm giàu urani lên mức 20% để sử dụng cho các lò phản ứng ở trong nước. Ông cũng cho rằng vẫn còn thời gian để các nước châu Âu có những động thái nhằm giúp bảo vệ nước Cộng hòa Hồi giáo trước những lệnh trừng phạt từ Washington, song châu Âu cần thể hiện bằng hành động chứ không chỉ bằng lời nói.

Theo JCPOA, Iran sẽ phải hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Động thái này được cho là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng hiện nay giữa Washington và Tehran.

Tháng Năm vừa qua, Tehran tuyên bố sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani. Đây cũng chính là thời hạn mà Iran yêu cầu các nước còn lại tham gia thỏa thuận gồm Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức phải thực hiện cam kết liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng để phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ và thúc đẩy thương mại.

Tuy nhiên, cho đến nay, châu Âu vẫn chưa đưa ra được biện pháp nào để giúp Iran tránh khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục