Italy chật vật ứng phó với dòng người di cư từ Bắc Phi và Balkan

Từ đầu năm tới nay, Italy đã ghi nhận hơn 107.500 người di cư bằng đường biển, cao hơn so với con số chỉ khoảng 53.000 người trong cùng kỳ năm ngoái.
Italy chật vật ứng phó với dòng người di cư từ Bắc Phi và Balkan ảnh 1Đảo Lampedusa của Italy, điểm đến của những người di cư trong những năm gần đây. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/8, Italy đã phải chật vật ứng phó với dòng người di cư từ Bắc Phi và các nước Balkan, trong khi tổ chức Chữ Thập Đỏ kêu gọi tăng cường nỗ lực quốc tế trong việc ngăn cuộc khủng hoảng người di cư.

Cảnh sát cho biết hơn 4.200 người đã đến đảo Lampedusa ở cực Nam của Italy vào cuối tuần qua. Mặc dù đây là con số kỷ lục, song nhà chức trách vẫn kiểm soát được tình hình.

Trong khi đó, tại thành phố Trieste, gần biên giới với Slovenia, Thị trưởng Roberto Dipiazza nhận định thành phố này đang trong tình trạng khẩn cấp.

[Italy đối mặt với tình trạng quá tải tiếp nhận người nhập cư]

Từ đầu năm tới nay, Italy đã ghi nhận hơn 107.500 người di cư bằng đường biển, cao hơn so với con số chỉ khoảng 53.000 người trong cùng kỳ năm ngoái.

Xu hướng này một phần là do gia tăng số trẻ em không có người thân đi cùng trong hành trình vượt biển nguy hiểm đến Italy. Ước tính hơn 12.000 trẻ em đã đến Italy kể từ ngày 1/1.

Tại đảo Lampedusa, những người di cư phải ở trong những khu vực tạm trú vốn thường xuyên quá tải trước khi được chuyển tới đảo Sicily.

Tổ chức Chữ Thập Đỏ Italy (CRI) đã tiếp quản cơ sở này vào ngày 1/6. Trên mạng xã hội Facebook, Chủ tịch CRI Rosario Valastro đã hối thúc triển khai chính sách di cư mới. Ông hy vọng không chỉ Italy mà toàn bộ châu Âu và cộng đồng quốc tế sẽ có thể ứng phó hiệu quả hơn trong vấn đề người di cư.

Trước tình hình này, Chính phủ Italy đã cam kết ngăn chặn nạn buôn người và hạn chế hoạt động của các tàu cứu hộ thuộc các tổ chức phi chính phủ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh suy giảm dân số và thiếu hụt lao động, nước này cũng nâng hạn ngạch lao động nhập cư không tới từ Liên minh châu Âu (EU) từ khoảng 83.000 người vào năm 2022 lên 452.000 người trong giai đoạn 2023-2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục