Italy mất "ngôi vương" nhà sản xuất rượu vang lớn nhất thế giới

Điều kiện thời tiết khắc nghiệt và bệnh nấm đã tàn phá các vườn nho tại Italy khiến sản lượng rượu nho từ mức 50 triệu hectolít vào năm ngoái giảm xuống còn dưới 44 triệu hectolít trong năm 2023.
Italy mất "ngôi vương" nhà sản xuất rượu vang lớn nhất thế giới ảnh 1Những quả nho bị bệnh sương mai do nhiễm nấm. (Nguồn: Reuters)

Năm 2023 là một năm đầy thách thức đối với các nhà sản xuất rượu vang ở Italy trong bối cảnh sản lượng nho của nước này đã sụt giảm tới 12% so với năm 2022.

Hiện, mùa vụ thu hoạch nho ở Italy đã bắt đầu, song theo ước tính của Hội các nhà sản xuất rượu vang Italy (Assoenologi) và Viện Nông nghiệp ISMEA, những trận mưa tháng Năm xối xả và sau đó là sự phát triển tràn lan của loài nấm plasmopara viticola gây bệnh sương mai tại nhiều vườn nho ở nước này khiến sản lượng thu hoạch toàn quốc giảm tới 12% so với năm ngoái.

Điều này có nghĩa là Italy sẽ bị mất vị trí nhà sản xuất rượu vang hàng đầu thế giới vào tay Pháp, quốc gia đã nhường “ngôi vương” sản xuất rượu nho cho Rome cách đây 9 năm.

Nấm plasmopara viticola được phát hiện lần đầu tiên ở châu Mỹ khoảng 190 năm trước. Loại nấm này phát triển mạnh trong điều kiện ấm áp và ẩm ướt, gây ra một trong những căn bệnh tàn khốc nhất đối với cây nho là bệnh sương mai nho.

Năm nay, thời tiết của Italy khá bất thường với những trận mưa lớn trong tháng Năm – thời điểm quan trọng với các vườn nho khi nho đang hình thành và phát triển. Và sau đó nấm plasmopara viticola đã lan tràn mạnh tại các vườn nho ở miền Trung và miền Nam nước này.

Theo dữ liệu dự báo thu hoạch, ngoại trừ khu vực phía Bắc Italy, bao gồm cả vùng Piedmont, sản lượng tăng nhẹ 0,8%, thì ở khu vực miền Trung sản lượng nho dự kiến sẽ giảm 20%; ở các khu vực phía Nam như Sicily và Basilicata sản lượng giảm mạnh hơn, khoảng 30%.

Các khu vực dọc theo bờ biển Adriatic chịu thiệt hại nặng nề nhất. Điển hình, sản lượng nho để sản xuất vang đỏ Montepulciano d'Abruzzo và Molise tại Abruzzo mất lần lượt 40% và 45% . Xa hơn về phía Nam Puglia, sản lượng nho để sản xuất vang đỏ Primitivo cũng bị giảm 25%.

Chính phủ Italy tháng trước đã phân bổ khoản tiền 1 triệu euro để giúp các nhà sản xuất nho bị ảnh hưởng bởi bệnh sương mai. Tuy nhiên đây chỉ là một khoản hỗ trợ khiêm tốn.

Italy mất "ngôi vương" nhà sản xuất rượu vang lớn nhất thế giới ảnh 2Lá nho bị hư hại do nấm và thời tiết khắc nghiệt tại San Paolo di Civitate,Italy ngày 18/7. (Nguồn: Reuters)

Paolo Niro, một nông dân trồng nho quy mô 14ha gần thị trấn Puglia của vùng San Paolo di Civitate, cho biết ông đã mất toàn bộ vụ nho năm nay.

Paolo Niro nói với Reuters: “Chúng tôi canh tác nho hữu cơ. Những trận mưa tháng Năm và sự tấn công của nấm plasmopara viticola đã khiến chúng tôi gần như trắng tay.”

[Italy: Nắng nóng kỷ lục bất thường, có nơi lên đến 47 độ C]

Theo ISMEA, sản lượng rượu vang sản xuất tại Italy trong năm nay dự báo giảm xuống dưới 44 triệu hectolít từ mức 50 triệu hectolít của năm ngoái (1 hectolít=100 lít tương đương 133 chai rượu tiêu chuẩn, dung tích 750ml).

Tuy sản lượng thấp nhưng chất lượng của rượu vang Italy xuất xưởng trong năm 2023 sẽ không hề bị suy giảm. Các nhà vườn đang thu hoạch những trái nho ngon xuất sắc.

Riccardo Cotarella, một trong những chuyên gia hàng đầu về rượu vang Italy, cho biết: “Vụ thu hoạch năm 2023 này chúng tôi chắc chắn sẽ thu được rượu vang chất lượng đỉnh cao.”

Italy vốn nổi tiếng khắp thế giới với nhiều loại rượu nho có hương vị tuyệt hảo riêng biệt. Theo thống kê, Italy sản xuất khoảng 4-5 tỷ lít rượu vang mỗi năm, chiếm khoảng 1/3 sản lượng rượu vang trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, người Italy cũng được xếp hạng thứ 5 về tiêu thụ rượu vang (trung bình mỗi người dùng 42 lít mỗi năm).

Italy mất "ngôi vương" nhà sản xuất rượu vang lớn nhất thế giới ảnh 3Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến ngành công nghiệp sản xuất rượu vang của Italy. (Nguồn: Farmers Weekly)

Nhờ sự phong phú của những vườn nho, Italia đã có một nền văn hóa lâu đời không thể tách rời với rượu vang. Những vườn nho được trồng tại khắp nơi trên quốc gia này, từ dãy núi Apennine kéo dài từ Liguria (phía Bắc) cho tới Calabria (phía Nam).

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan đang tác động mạnh đến ngành công nghiệp sản xuất rượu vang của Đất nước hình chiếc ủng.

Ông Fazil Dusunceli, quan chức nông nghiệp tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), có trụ sở tại Rome, cho biết tình trạng nóng lên toàn cầu đang gây ra các hiện tượng khí hậu cực đoan thường xuyên hơn đe dọa tới các vườn nho, do đó cần có kế hoạch dự phòng để ứng phó.

Cơ sở Dữ liệu Thời tiết Khắc nghiệt ở châu Âu (ESWD) cho thấy từ đầu năm đến nay, Italy đã ghi nhận 2.664 hiện tượng thời tiết cực đoan, so với 3.192 hiện tượng của cả năm 2022 và chỉ có 787 hiện tượng được ghi nhận 10 năm trước.

Ông Dusunceli kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào các giống nho mới có khả năng kháng bệnh, đồng thời cho rằng cuộc tấn công của nấm plasmopara năm nay “sẽ buộc nhiều nông dân phải tìm kiếm các loại giống nho khác”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục