Kế hoạch hòa bình Trung Đông - thỏa thuận thế kỷ của Trump?

Thế giới kết thúc năm 2018 với "thỏa thuận thế kỷ" của Trump - kế hoạch hòa bình Israel-Palestine được trông đợi từ lâu - được đưa ra làm mồi nhử.
Kế hoạch hòa bình Trung Đông - thỏa thuận thế kỷ của Trump? ảnh 1Người định cư Do Thái bị buộc di dời khỏi khu định cư Amona ngày 3/1/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài viết mới đây trên trang mạng eurasiareview.com, thế giới kết thúc năm 2018 với "thỏa thuận thế kỷ" của Trump - kế hoạch hòa bình Israel-Palestine được trông đợi từ lâu - được đưa ra làm mồi nhử.

Hôm 18/12, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley đã có bài phát biểu cuối cùng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trước khi rời khỏi chức vụ này vào cuối năm, mà theo nhiều người phỏng đoán là để chuẩn bị cho cuộc đua tái tranh cử tổng thống vào năm 2020.

Phát biểu tại phiên họp định kỳ hàng tháng của Liên hợp quốc về Trung Đông, bà Haley rốt cuộc đã đề cập tới kế hoạch hòa bình chưa được tiết lộ của Trump mà bà nói rằng bà đã được đọc.

Theo Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Dan Danon, việc công bố kế hoạch hòa bình mới của Mỹ cho cuộc xung đột Israel-Palestine được chờ đợi từ lâu này từng được hứa hẹn sẽ diễn ra trước cuối năm 2018, song lại bị hoãn sang đầu năm 2019.

Bà Haley nói rằng mặc dù Israel luôn muốn hòa bình với các nước láng giềng, "họ không muốn đạt được hòa bình bằng bất cứ giá nào, và không nên như vậy."

Theo bà, điều đó cũng đúng với người Palestine. Bà phân tích rằng "cả hai bên sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ một thỏa thuận hòa bình, nhưng người Palestine sẽ được hưởng lợi nhiều hơn và người Israel sẽ gặp nhiều rủi ro hơn."

Haley cho biết chính quyền Trump đã dựa vào điều này để xây dựng kế hoạch hòa bình giữa Israel và người Palestine. Haley nói rằng kế hoạch hòa bình sẽ "mang lại những yếu tố mới cho cuộc thảo luận, tận dụng thế giới công nghệ mới. Kế hoạch này chứa đựng nhiều nội dung cụ thể hơn."

Bà tuyên bố kế hoạch này khác với tất cả các kế hoạch trước đó, nhưng vấn đề then chốt là liệu câu trả lời có khác hay không.

[EU cảnh báo Chính quyền Mỹ về Kế hoạch hòa bình Trung Đông]

Khẳng định rằng có những nội dung trong kế hoạch mà tất cả các bên sẽ thích và không thích, vì thế, Đại sứ Mỹ nói: "Mỗi quốc gia hay mỗi bên sẽ phải đưa ra quyết định lựa chọn quan trọng.

Họ có thể tập trung vào các phần của kế hoạch mà họ không thích - đối với các bên thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ là phần dễ thực hiện. Sự lựa chọn khác là tập trung vào các phần của kế hoạch mà bạn thích và khuyến khích các cuộc đàm phán để tiến về phía trước."

Đại sứ Haley nêu rõ các quốc gia thành viên Liên hợp quốc sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn tương tự, đặc biệt là các nước Arab và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Trong thông điệp gửi các quốc gia Arab, bà nói: "Đối với những người bạn Arab của Mỹ... các bạn đã nói rằng các bạn biết một giải pháp là điều rất cần thiết. Nhưng chính phủ của các bạn không sẵn sàng nói với các cử tri về điều gì là thực tế, cũng như không nói với lãnh đạo Palestine về tổn hại mà họ đang gây ra cho chính người dân của họ.

Các bạn thực sự đang nói rằng người Palestine không phải là ưu tiên hàng đầu của các bạn, bởi vì nếu họ là các bạn, tất cả sẽ ở trong một căn phòng để giúp đưa cả hai bên ngồi vào bàn đàm phán."

Haley cho biết Mỹ sẽ tiếp tục giúp đỡ người dân Palestine, "những người mà chúng tôi đã hỗ trợ tài chính nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác."

Bà xác nhận rằng thỏa thuận mới này dựa trên việc loại bỏ "các đường lối không cụ thể và không có thực" đã trở thành đặc trưng trong tất cả các tiến trình hòa đàm trước đó. Không giống như các kế hoạch trước đây, kế hoạch của Trump dựa trên thực tế - hay theo lời bà Haley, bởi vì kế hoạch này nhận thức được rằng thực tế ở Trung Đông đã thay đổi... theo những cách rất quan trọng và mạnh mẽ."

Phản ứng của châu Âu tóm lại là kiên quyết từ chối thậm chí cả việc xem xét có nên thay đổi suy nghĩ. Cả 8 quốc gia châu Âu là ủy viên trong Hội đồng Bảo an - gồm Pháp, Anh, Hà Lan, Ba Lan, Thụy Điển, Bỉ, Đức và Italy - đã đưa ra một tuyên bố chung cảnh báo chính quyền Mỹ rằng bất kỳ kế hoạch hòa bình nào không đếm xỉa đến "các tham số đã được quốc tế công nhận... có nguy cơ đi đến thất bại."

Thông cáo của châu Âu nêu rõ, "EU thực sự tin rằng việc đạt được giải pháp hai nhà nước dựa trên đường biên giới năm 1967 với Jerusalem là thủ đô của cả hai quốc gia - đáp ứng nhu cầu an ninh của Israel và Palestine và những tham vọng của Palestine về một quốc gia độc lập và chủ quyền, chấm dứt sự chiếm đóng và giải quyết tất cả các vấn đề về quy chế cuối cùng theo Nghị quyết 2234 của Hội đồng Bảo an và các thỏa thuận trước đây - là cách khả thi và thực tế duy nhất để chấm dứt xung đột và đạt được một nền hòa bình chính đáng và lâu dài."

Tiếp đó, thông cáo nhắc lại rằng EU "sẽ tiếp tục nỗ lực tiến tới giải pháp cuối cùng cho cả hai bên và các đối tác khu vực và quốc tế."

Nói tóm lại, bất kỳ nỗ lực nào để thoát ra khỏi sự bế tắc đã tồn tại trong nửa thế kỷ hoặc lâu hơn, bất kỳ nỗ lực nào nhằm đưa ý kiến mới vào một vấn đề đã tồn tại lâu dài, sẽ bị phản đối.

Phải chăng đó là sự bác bỏ chung đối với số phận của "thỏa thuận của thế kỷ?"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục