Kênh truyền hình Al-Jazeera bị cáo buộc kích động hận thù tôn giáo

Ngoại trưởng UAE đã gửi một bức thư tới Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền trong đó nhấn mạnh rằng Al-Jazeera đã nhiều lần vượt qua ngưỡng kích động thù địch, bạo lực và phân biệt đối xử.
Kênh truyền hình Al-Jazeera bị cáo buộc kích động hận thù tôn giáo ảnh 1Một góc văn phòng của Al-Jazeera. (Nguồn: AFP)

Trong thư phản hồi Liên hợp quốc liên quan đến việc các nước Arab yêu cầu đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera của Qatar công bố ngày 12/7, Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Anwar Gargash đã cáo buộc Al-Jazeera thúc đẩy chủ nghĩa bài Do Thái, kỳ thị và kích động hận thù tôn giáo.

Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash đã gửi một bức thư tới Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Zeid Ra'ad al-Hussein, trong đó nhấn mạnh rằng Al-Jazeera đã nhiều lần vượt qua ngưỡng kích động thù địch, bạo lực và phân biệt đối xử.

Trước đó, Liên hợp quốc cảnh báo rằng việc liên minh các nước Arab do Saudi Arabia đứng đầu, trong đó có UAE, yêu cầu Qatar đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera là vi phạm các "quyền tự do cơ bản."

Trong khi đó, tại phiên khai mạc Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Thông tin Arab (AIMC) lần thứ 48 tại Cairo (Ai Cập) ngày 12/7, các quan chức đầu ngành thông tin của nhóm các nước Arab gồm Saudi Arabia, Ai Cập, UAE và Bahrain đã đồng loạt chỉ trích kênh truyền hình Al-Jazeera của Qatar vì đã phát sóng các nội dung kích động làn sóng chống các nước Arab, nỗ lực phá hoại sự ổn định và an ninh khu vực.

Tại đây, Bộ trưởng Nhà nước, kiêm Chủ tịch Ban Giám đốc Hội đồng truyền thông quốc gia UAE, ông Sultan bin Ahmed đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò then chốt của ngành truyền thông trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.

[Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh có nguy cơ rơi vào thế bế tắc]

Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh nảy sinh sau khi Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain, UAE hồi tháng Sáu cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc Doha tài trợ, tiếp tay cho chủ nghĩa khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này.

Tiếp sau đó, những nước này đã áp dụng các biện pháp cô lập Qatar, đồng thời đưa ra bản yêu sách 13 điểm, trong đó yêu cầu Doha đóng cửa đài truyền hình Al-Jazeera, hạ cấp quan hệ và Iran và ngừng tài trợ cho khủng bố.

Cho đến nay, căng thẳng giữa các nước vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Doha kiên quyết phủ nhận mọi cáo buộc của nhóm các nước Arab do Saudi Arabia đứng đầu, đồng thời bác bỏ yêu cầu của nhóm này với tuyên bố Qatar sẽ không thương lượng bất cứ vấn đề gì liên quan đến chủ quyền.

Dự kiến, bộ trưởng ngoại giao nhóm Bộ Tứ Arab sẽ sớm nhóm họp tại Bahrain để thảo luận về bước tiếp theo nhằm siết chặt các biện pháp trừng phạt Qatar sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Saudi Arabia.

Ngoại trưởng Mỹ ngày 12/7 đã rời Arab Saudi sau khi kết thúc chuyến công du với Kuwwait và Qatar.

Trong chuyến thăm Doha, Mỹ và Qatar đã ký một bản ghi nhớ giữa hai nước với nội dung chống tài trợ khủng bố. Bộ Tứ Arab cho biết các nước này sẽ quan sát thận trọng và đánh giá sự nghiêm túc của Doha trong việc thực thi thỏa thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục