Kêu gọi các nước láng giềng giúp chấm dứt giao tranh ở Nam Sudan

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hối thúc các nước láng giềng của Nam Sudan triển khai thêm lực lượng gìn giữ hòa bình nhằm giúp chấm dứt giao tranh ở thủ đô Juba của nước này.
Kêu gọi các nước láng giềng giúp chấm dứt giao tranh ở Nam Sudan ảnh 1(Từ trái sang) Phó Tổng thống Riek Machar, Tổng thống Salva Kiir, Phó Tổng thống James Wani Igga. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 10/7 hối thúc các nước láng giềng của Nam Sudan giúp chấm dứt giao tranh ở thủ đô Juba của nước này, theo đó yêu cầu triển khai thêm lực lượng gìn giữ hòa bình.

Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp kín theo đề nghị của Mỹ thảo luận về tình hình xung đột tại Juba, 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an nhất trí yêu cầu Tổng thống Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar "nỗ lực hết sức để kiểm soát các lực lượng của hai bên, khẩn cấp chấm dứt giao tranh và ngăn chặn bạo lực leo thang, đồng thời cam kết thực hiện đầy đủ và ngay lập tức thỏa thuận hòa bình, bao gồm ngừng bắn vĩnh viễn và đưa các lực lượng quân sự ra khỏi Juba."

Giao tranh bùng phát tại Juba giữa các lực lượng trung thành với Tổng thống Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar đã làm dấy lên lo ngại về khả năng nội chiến tái bùng phát ở Nam Sudan.

Trước đó, các nguồn tin cho biết hơn 150 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa các lực lượng trên ở bên ngoài Dinh Tổng thống ngày 8/7.

Vụ việc xảy ra khi Tổng thống Kiir và Phó Tổng thống Machar đang chuẩn bị có bài phát biểu trước truyền thông tại Dinh Tổng thống nhân kỷ niệm ngày Độc lập.

Giao tranh kéo dài khoảng nửa giờ đồng hồ và nhanh chóng leo thang sau khi binh sỹ hai bên dùng tới các loại vũ khí hạng nặng.

Đây là cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất kể từ khi Tổng thống Kiir và Phó Tổng thống Machar hòa giải hồi tháng Tư vừa qua.

Các vụ bạo lực trên đã làm lung lay thỏa thuận ngừng bắn mong manh được hai bên ký kết tháng 8/2015, nhưng cho đến nay vẫn chưa chấm dứt được cuộc nội chiến kéo dài từ tháng 12/2013.

Tháng 12/2013, Tổng thống Kiir cáo buộc cấp phó của mình âm mưu đảo chính, điều mà ông Machar đã bác bỏ. Một vòng xoáy bạo lực đẫm máu bùng phát. Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng trong hơn hai năm nội chiến tại Nam Sudan, trong khi gần 3 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa và gần 5 triệu người đang phải sống nhờ viện trợ lương thực khẩn cấp.

Thỏa thuận hòa bình đã được ký kết tháng 8/2015, mở đường cho việc thành lập chính phủ chuyển tiếp nhằm chấm dứt nội chiến. Nhưng đến tháng Tư vừa qua, ông Machar mới trở về thủ đô để thành lập chính phủ đoàn kết, trong đó ông được khôi phục chức danh Phó Tổng thống thứ nhất.

Tuy nhiên, tiến trình hòa bình đã bị đình trệ vì các nhân vật cứng rắn ở cả hai phe đều không nhất trí với giải pháp đã thỏa thuận và giao tranh vẫn tiếp diễn.

Bên cạnh đó, quốc gia non trẻ này đang phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế khi đồng nội tệ mất giá và lạm phát vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Ngành công nghiệp dầu mỏ - trụ cột chính của nền kinh tế Nam Sudan - đã sụp đổ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục