Kêu gọi người dân khẩn trương sơ tán, không chủ quan với bão

Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh kêu gọi nhân dân khẩn trương chằng néo nhà ở, chặt tỉa tán cây xanh để ngăn đổ ngã nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, tai nạn...
Kêu gọi người dân khẩn trương sơ tán, không chủ quan với bão ảnh 1Người dân cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển di dời đến nơi an toàn. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Trước diễn biến của bão số 16, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh kiêm Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải kêu gọi nhân dân trong tỉnh không chủ quan với bão, khẩn trương chằng néo nhà ở, chặt tỉa tán cây xanh để ngăn đổ ngã nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, tai nạn khi có bão.

Chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng tránh bão; tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân về kỹ thuật chằng chống nhà ở an toàn; đồng thời khẩn trương thực hiện công tác sơ tán, di dời dân đến địa điểm trú bão an toàn.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, đến trưa 25/12, toàn tỉnh đã có hơn 40.000 trong số 73.528 nhà ở của dân được chằng chống.

Kêu gọi người dân khẩn trương sơ tán, không chủ quan với bão ảnh 2Chằng chống nhà cửa trước khi bão đến. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre khẩn trương đưa các hộ dân sống ở vùng nguy hiểm, vùng cù lao đến nhà tránh trú bão, điểm trường học hoặc nhà người thân trước khi bão số 16 đổ bộ vào đất liền.

Tỉnh chủ động di dời trên 22.100 người ở các huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại, Giồng Trôm và Chợ Lách. Trong đó, huyện Ba Tri có gần 930 hộ với 2.600 người cần di dời, sơ tán khi bão đổ bộ. Bến Tre cũng tuyên truyền, vận động gần 55.500 người dân có nhà ở tạm bợ, không đảm bảo an toàn tự di chuyển sang tránh trú nhờ nhà kiên cố, chắc chắn trong khu vực.

[Philippines: Số người thiệt mạng do bão Tembin đã lên tới 240 người]

Sáng 25/12, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Trần Ngọc Tam đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 16 ở hai huyện Giồng Trôm và Ba Tri. Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, đến 14 giờ ngày 25/12, địa phương hoàn tất công tác di dời dân trong vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú bão an toàn và di dời người dân đang cư trú ở những ngôi nhà không an toàn có nguy cơ đổ sập sang nơi an toàn. Sau thời điểm này, nếu còn hộ gia đình, cá nhân thuộc trường hợp cần di dời nhưng còn chần chừ hoặc không thực hiện sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế di dời.

Kêu gọi người dân khẩn trương sơ tán, không chủ quan với bão ảnh 3Thuyền, đò ngang đậu gần bờ để tránh bị ảnh hưởng của bão. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước đang huy động mọi nguồn lực phòng, chống bão; tổ chức sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn.

Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị đề nghị các lực lượng vũ trang phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, xác định cụ thể những khu vực nguy hiểm, số hộ dân, người dân cần sơ tán, địa điểm sơ tán, phương tiện và nhân lực thực hiện; đồng thời kêu gọi người dân sinh sống bằng phương tiện ghe trên sông, hồ chủ động neo đậu và tránh trú an toàn; thường xuyên theo dõi diễn biến của cơn bão để chủ động sơ tán kịp thời. Theo đó, đến trưa 25/12, 100% hộ dân nuôi trồng thủy, hải sản trên sông, hồ đã thực hiện gia cố, di dời lồng, bè đến nơi an toàn.

Do ảnh hưởng của bão số 16, từ sáng 25/12, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã xuất hiện những cơn mưa nặng hạt, kèm theo gió khiến sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh bị xáo trộn.

Kêu gọi người dân khẩn trương sơ tán, không chủ quan với bão ảnh 4Người dân thành phố Vị Thanh, Hậu Giang chặt bớt cành cây, tránh thiệt hại do cơn bão số 16 gây ra. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng kiểm tra nghiêm ngặt các tuyến đò dọc, đò ngang đảm bảo ngưng hoạt động từ 11 giờ ngày 25/12; tổ chức di dời dân đến nơi trú bão; vận động người dân hoàn thành công tác chằng chống nhà cửa, phát quang cây cối, khai thông dòng chảy trước 17 giờ ngày 25/12.

Các cơ quan, đơn vị chuẩn bị tốt phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng tránh, ứng phó với bão. Các sở, ban, ngành, địa phương chỉ đạo các dự án đang thi công thực hiện nghiêm công tác an toàn và tạm ngưng thi công từ 13 giờ ngày 25/12.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh bám sát địa phương, chỉ đạo kịp thời nhằm bảo vệ an toàn cho người dân, giảm thiệt hại thấp nhất về tài sản khi bão xảy ra... Tỉnh tập trung công tác di dời dân với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng con người. Theo đó, trong ngày 25/12, các ngành, các cấp chỉ đạo địa phương di dời người dân đến nơi an toàn, đặc biệt chú ý di dời người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai...

Trước đó, trong cuộc họp khẩn cấp của Ủy ban Nhân dân tỉnh về phòng, chống bão số 16, ông Lữ Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão; kiểm tra những điểm có nguy cơ sạt lở; cương quyết di dời dân khi bão đổ bộ với ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, tính đến 10 giờ ngày 25/12, tỉnh Hậu Giang sơ tán 830 hộ dân; chằng chống trên 9.500 căn nhà tại các địa phương.

Kêu gọi người dân khẩn trương sơ tán, không chủ quan với bão ảnh 5 Người dân Tiền Giang đến những địa điểm tránh trú an toàn. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, cho biết trước diễn biến của bão số 16 địa phương đã khuyến cáo các cấp, ngành, mọi tầng lớp nhân dân tăng cường ứng phó với bão. Trong đó, chú ý tuyên truyền để nâng cao ý thức, tích cực chằng chống nhà cửa của nhân dân; khuyến cáo tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, tập trung cho công tác phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai; đồng thời đề phòng nước biển dâng cao do bão kết hợp đỉnh triều; theo dõi dự báo mực nước cao nhất ở các sông trên địa bàn Tiền Giang có khả năng ở mức cao đến rất cao.

Ngoài ra, ngành chức năng khuyến cáo các hộ dân có nhà khu vực ven sông chủ động di dời đồ đạc tránh thiệt hại bởi ngập nước; vận động nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm và nhiên liệu thắp sáng đề phòng bị mất điện trong mưa bão.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, vào lúc 11 giờ ngày 25/12, trên địa bàn tỉnh An Giang đã có mưa nhiều nơi nhưng lượng mưa ít. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã và thành phố, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách để phòng chống bão số 16.

Các địa phương chú trọng công tác chằng chống bảo vệ nhà cửa của nhân dân; sẵn sàng bơm tiêu chống úng, bảo vệ diện tích thu hoạch vụ Thu Đông năm 2017 và diện tích mới xuống giống vụ Đông Xuân 2017-2018; triển khai các giải pháp bảo vệ lồng bè, ao nuôi thủy sản.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã và thành phố, cơ quan liên quan chú trọng công tác phòng chống sạt lở, đặc biệt tại 51 điểm sạt lở trên phạm vi toàn tỉnh. Các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh được phân công phụ trách các huyện, thị xã và thành phố khẩn trương tổ chức kiểm tra, hướng dẫn Ủy ban Nhân dân cấp huyện về công tác phòng chống bão...

Kêu gọi người dân khẩn trương sơ tán, không chủ quan với bão ảnh 6 Lực lượng bộ đội tỉnh Trà Vinh hướng dẫn, giúp đỡ dân sơ tán tránh bão. (Ảnh: Phúc Sơn/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Trần Văn Cần chỉ đạo chính quyền các cấp thực hiện các biện pháp cấp bách đối phó với bão số 16, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Các cấp chính quyền vận động, khuyến cáo và giúp nhân dân chằng chống nhà cửa; có biện pháp bảo vệ các vuông nuôi, ao nuôi thủy sản, nhất là các vuông nuôi thủy sản nằm ngoài đê. Sở Giao thông Vận tải và chính quyền các địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra nghiêm ngặt các bến phà đang hoạt động, cử người túc trực tại các bến phà, đò ngang, đò dọc, đảm bảo an toàn cho người dân qua lại trên sông, kênh, rạch; tuyệt đối cấm các bến phà hoạt động trong suốt thời gian mưa to, gió lớn do ảnh hưởng của bão số 16.

Các huyện phía Nam như Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành xác định khu vực cần di dời, sơ tán dân khi có yêu cầu, vận động người dân ra khỏi vùng xung yếu, có thể đe dọa đến tính mạng của nhân dân. Bên cạnh đó tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra gia cố các tuyến đê, bờ bao và các cống ngăn triều cường để cố kế hoạch xử lý kịp thời sự cố nước tràn đê, vỡ đê; vận hành các cống ngăn triều hợp lý, không để xảy ra tình trạng ngập úng kéo dài làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ'' trong phòng, chống bão.

Sáng 25/12, trên địa bàn Long An có mưa diện rộng, các cấp chính quyền tổ chức trực 24/24 giờ để xử lý và ứng phó kịp thời với bão số 16./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục