Khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ xe khách đâm xe cứu hỏa ở cao tốc

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan trong các vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ.
Khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ xe khách đâm xe cứu hỏa ở cao tốc ảnh 1Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: TTXVN)

Liên quan đến các vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ ngày 18/3 làm chết 3 người và gây ùn tắc kéo dài hơn 30km, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình-Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan trong các vụ tai nạn giao thông.

Tăng diễn tập cứu hộ, cứu nạn

Trong đó, vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa thuộc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội biển kiểm soát 29A-02307 với xe ôtô chở khách biển kiểm soát 29B-078.43 làm 4 cán bộ chiến sĩ trên xe cứu hoả và 2 người trên ôtô khách bị thương (trong đó có 1 chiến sĩ đã hy sinh vào sớm 19/3 tại bệnh viện).

[Hà Nội: Xe cứu hỏa va chạm xe khách, 4 cảnh sát bị thương nặng]

Vụ việc xảy ra trong quá trình xe cứu hoả chạy ngược chiều giao thông trên đường cao tốc ra hiện trưởng cứu hộ vụ tai nạn giao thông giữa một xe ôtô chở khách biển kiểm soát 29B-048.92 và xe ôtô tải biển kiểm soát 90C-053.05 tại km203 trên đường cao tốc theo hướng từ Hà Nam về Hà Nội.

Vụ việc đã gây ùn tắc giao thông kéo dài trong nhiều giờ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giao thông của mọi phương tiện trên tuyến đường quan trọng nhất kết nối Hà Nội với các địa phương phía Nam.

Ngay sau khi nhận được thông tin về các vụ tai nạn trên, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân tử vong, động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương.

Để kịp thời ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông và sự cố giao thông trên các tuyến cao tốc, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan trong các vụ tai nạn giao thông nêu trên.

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc hiện nay, nhất là các hành vi vi phạm như điều khiển xe quá tốc độ, ngược chiều giao thông, đi vào làn dừng khẩn cấp, lùi xe, dừng đỗ đón trả khách sai quy định trên đường cao tốc.

Các đơn vị tăng cường công tác tập huấn, diễn tập cứu hộ, cứu nạn tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa cho các lực lượng chức năng, đặc biệt là công tác chỉ huy, phối hợp và thực hành của các lực lượng liên quan trong quá trình thực hiện cứu hộ, cứu nạn các vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc, giúp nâng cao năng lực và bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình cứu hộ, cứu nạn.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đơn vị quản lý, khai thác tuyến đường cao tốc Pháp Vận-Cầu Giẽ cung cấp đầy đủ các thông tin, dữ liệu giám sát hoạt động phương tiện trên đường để phục vụ công tác điều tra của Công an; cung cấp đầy đủ, kịp thời dữ liệu camera cho lực lượng cảnh sát giao thông và các cơ quan báo chí, truyền hình về hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên đường cao tốc của nguời điều khiển phương tiện để xử lý vi phạm và phục vụ công tác tuyên truyền, cảnh báo.

Các đơn vị quản lý, khai thác đường bộ nói chung và các tuyến cao tốc nói riêng, thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình giao thông, đặc biệt là thông tin về tai nạn, sự cố, phương án điều tiết giao thông, hướng dẫn giao thông an toàn để tránh các điểm có sự cố…. đến đường dây nóng của cơ quan chức năng và của các cơ quan báo chí để người dân nắm bắt kịp thời các sự cố và có phương án tham gia giao thông phù hợp.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông Vận tải tăng cường công tác khai thác dữ liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình đối với xe kinh doanh vận tải bằng xe ôtô để làm cơ sở xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, nhất là vi phạm dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định trên cao tốc; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát về việc thực hiện quy định pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đến đường cao tốc.

[Vụ va chạm xe trên cao tốc Pháp Vân: Một chiến sỹ cảnh sát tử vong]

Các đơn vị chức năng của Bộ và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy tắc tham giao giao thông trên đường cao tốc, đặc biệt là quy tắc không điều khiển xe trên làn khẩn cấp, luôn giữ khoảng cách an toàn, nghiên cứu bổ sung quy tắc và biển báo theo thông lệ quốc tế (ví dụ: biển báo “luôn đi làn phải” trên các tuyến cao tốc).

Tranh cãi xe lái xe ưu tiên chạy ngược chiều cao tốc?

Liên quan đến vụ tai nạn giữa xe cứu nạn, cứu hộ của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội và xe khách trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, nhiều ý kiến cho rằng, xe cứu hỏa dù đi ngược chiều nhưng là xe ưu tiên nên các chủ xe chưa có thói quen nhường đường.

Một chiến sỹ là đồng đội của các chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã chia sẻ và mong ước một điều là những người có mặt trên cao tốc nếu như dành cho xe ưu tiên của đơn vị một lối đi để xe cứu hộ, cứu nạn không phải đi ngược chiều đến vụ tai nạn thì có lẽ các đồng đội sẽ không gặp nạn.

Khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ xe khách đâm xe cứu hỏa ở cao tốc ảnh 2Vụ tai nạn làm một chiến sỹ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội tử vong. (Ảnh: TTXVN)

Một tài khoản trên mạng xã hội cũng bày tỏ, để tiếp cận người bị nạn sớm nhất, thay vì đi 30km đường tắc an toàn, các chiến sĩ Phòng cháy chữa cháy đã chọn đi 2km ngược chiều nguy hiểm để nhanh tiếp cận vụ tai nạn cứu người.

Tài khoản này cũng bày tỏ mong muốn những người chưa có thói quen nhường xe ưu tiên và đã phải trải qua quãng thời gian chờ đợi mệt mỏi do tắc đường trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ sẽ lưu ý hơn khi tham gia giao thông.

[Video xe khách đâm xe cứu hỏa trên cao tốc khiến 1 chiến sĩ tử vong]

Tuy nhiên, có ý kiến nhìn nhận, vụ tai nạn xảy ra do xe cứu hộ, cứu nạn đã chạy ngược chiều và bày tỏ sự không đồng tình với việc chiếc xe này chạy ngược chiều trên làn cao tốc không phải làn dừng khẩn cấp với tốc độ cao thì rất khó cho phương tiện nhường đường hay tránh.

Một số lái xe chuyên chạy trên tuyến cao tốc cho rằng, về lý thuyết trên đường cao tốc đoạn chạy 100km/giờ, các xe giữ khoảng cách nhau 100m,. Như thế, các xe sẽ nhìn thấy xe cứu hoả đang đi ngược chiều từ xa để nhường đường hoặc giảm tốc độ.

“Thực tế, các xe đa phần bám sát chỉ cách nhau tầm 30m, xe cứu hộ cứu nạn lại đi ngược chiều trong hoàn cảnh xiên ngang nhập vào làn ngoài chạy tốc độ cao nhất ở mật độ dày thì giả sử xe khách này né được thì xe chạy sau con xe khách này dính 100%,” một tài xế bày tỏ quan điểm.

Trong trường hợp kể cả nghe còi hụ của cứu hoả nhưng khuất tầm nhìn, không ai nghĩ là cứu hoả chạy ngược chiều ở làn này, do đó, tai nạn giao thông sẽ xảy ra.

Chia buồn với nỗi mất mát về vụ tai nạn, một tài xế xe khách chạy tuyến vận tải Ninh Bình-Hà Nội đánh giá, dù là xe ưu tiên đồng chí lái xe cứu hỏa xử lý kém, ngay đoạn cua đã cua luôn sang làn bên ngoài cùng lại đi ngược chiều, với tốc độ 100-120km trên cao tốc thì xe nào phanh kịp?

“Nhiều người nói xe ưu tiên cứu người mà phải làm nhiệm vụ nhưng để cứu người khác mà mang tính mạng người khác nữa ra thử thách như vậy thật quá nguy hiểm?,” tài xế này bày tỏ lo lắng./.

Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về thứ tự ưu tiên của một số xe như sau: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ, xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật, đoàn xe tang.

Theo quy định, xe ưu tiên là những loại phương tiện thực thi công vụ, không bị hạn chế tốc độ và được phép đi vào đường ngược chiều hoặc bất cứ các đường nào khác có thể đi được, kể cả khi đã có tín hiệu đèn đỏ (chỉ trừ đoàn xe tang) nhưng phải tuân theo sự chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục