Khi bầu cử Tổng thống trở thành cuộc đấu giữa các ''hầu bao''...

Mặc dù cá nhân ông Trump đã đóng góp 66 triệu USD cho chiến dịch tranh cử năm 2016, nhưng việc một tổng thống đương nhiệm tự bỏ tiền túi để giành thắng cử nhiệm kỳ hai là điều chưa từng có tiền lệ.
Khi bầu cử Tổng thống trở thành cuộc đấu giữa các ''hầu bao''... ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc vận động tranh cử ở Winston-Salem, bang Bắc Carolina ngày 8/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, tháng 9/2020, cựu thị trưởng New York Mike Bloomberg công bố kế hoạch chi ít nhất 100 triệu USD tại bang chiến trường Florida để giúp ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden.

Ông Bloomberg đã đưa ra quyết định tập trung sử dụng khoản tài trợ cuối cùng tại bang Florida sau khi có thông tin cho biết Tổng thống Donald Trump đã cân nhắc việc dốc hầu bao cá nhân tới 100 triệu USD trong những tuần cuối của chiến dịch tranh cử.

Mặc dù cá nhân ông Trump đã đóng góp 66 triệu USD cho chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông, nhưng việc một tổng thống đương nhiệm tự bỏ tiền túi để giành thắng cử nhiệm kỳ hai là điều chưa từng có tiền lệ.

Theo bản tin trên mạng Bloomberg, chiến dịch tái cử của ông Trump - bao gồm cả Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) - đến nay đã chi hơn 800 triệu USD, trong khi ông Biden và Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) chi 414 triệu USD đến tháng 7/2020.

[Bầu cử Mỹ: Kỷ lục mới về gây quỹ tranh cử của đảng Dân chủ]

Tuy nhiên, ông Biden và DNC đã huy động được 365 triệu USD trong tháng 8/2020, vượt qua kỷ lục huy động 193 triệu USD trong một tháng của cựu Tổng thống Barack Obama năm 2008.

Đến cuối tháng 7/2020, ông Biden có trong tay 294 triệu USD, ít hơn chiến dịch của ông Trump 6 triệu USD.

Một khiếm khuyết cơ bản của dân chủ trên toàn thế giới đó là việc gây quỹ trong các chiến dịch tranh cử, bởi các cá nhân và tổ chức tài trợ cho các chiến dịch tranh cử thường có các động cơ ngầm: họ coi việc tài trợ chính trị là những khoản đầu tư sẽ đem lại lợi nhuận thông qua việc gây ảnh hưởng đến chính sách và luật pháp.

Nếu nhìn vào các nền dân chủ như Ấn Độ, các chính trị gia thậm chí không đại diện cho dân chúng bởi họ làm việc vì lợi ích của tầng lớp tinh hoa giàu có thay vì lợi ích của những người thiệt thòi.

Thực tế này đòi hỏi sự phân tích sâu hơn về nền dân chủ tại thế giới đang phát triển. Chính trị là đặc quyền của nhóm siêu giàu trong thế giới đang phát triển, bao gồm các ông trùm bất động sản, các nhà tư bản công nghiệp và các doanh nghiệp lớn.

Thường dân và tầng lớp trung lưu không thể tham gia các cuộc bầu cử, bởi các chiến dịch tranh cử thường kéo theo các chi phí khổng lồ.

Nếu các ứng cử viên phải tự bỏ tiền túi để tranh cử, liệu các đại diện được bầu chọn đó sẽ không sử dụng chức vụ chính trị để phục vụ các lợi ích cá nhân nhằm quyên tiền cho các chiến dịch tranh cử đắt đỏ tiếp theo hay không?

Tại các nước đang phát triển, chính trị giống như hoạt động kinh doanh: các ứng cử viên của các chính đảng đầu tư vào chiến dịch tranh cử của họ và thu về lợi ích khi họ được bầu chọn trở thành các nghị sỹ Quốc hội hay bộ trưởng trong nội các.

Ngược lại, tại các nước phương Tây phát triển, các ứng cử viên thường không bỏ tiền túi cho các chiến dịch tranh cử; thay vào đó, các chính đảng huy động nguồn tài trợ cho các chiến dịch tranh cử của các chính đảng và ứng cử viên.

Tuy nhiên, thực tiễn này cũng bị lạm dụng, bởi các nhà tài trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp, khi quyên góp tiền cho một chiến dịch cụ thể nào đó, họ đòi hỏi có tiếng nói trong công cuộc hoạch định chính sách của chính phủ của các chính đảng đó.

Các chính phủ như vậy “chịu ơn” các nhà tài phiệt và do đó không thể theo đuổi các chính sách độc lập vì lợi ích của người dân.

Một số nước phát triển đang tiến hành phương cách huy động tài trợ “tân tiến” hơn, như tại Canada và Đức, nơi nhà nước phân bổ nguồn tài trợ từ ngân sách quốc gia cho các chiến dịch tranh cử của các chính đảng nếu họ nhận được một tỷ lệ % nhất định trong các cuộc bầu cử.

Các đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Mỹ cũng như đảng Bảo thủ và Công đảng tại Anh tiếp nhận các khoản đóng góp chính trị - vốn sau đó được chi cho các chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên của họ, thường thuộc tầng lớp trung lưu.

Ngoại trừ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, không một nơi nào tại các nước phát triển phương Tây, các ứng cử viên bỏ tiền túi để phục vụ các chiến dịch tranh cử của mình, bởi thay vì là một cuộc đấu chính trị, nó sẽ trở thành cuộc đấu giữa các tài khoản ngân hàng của các ứng cử viên.

Bởi vậy, các chính trị gia phương Tây thường là đại diện thực sự của các cử tri, trong khi các chính trị gia tại các nước đang phát triển thường thuộc tầng lớp tinh hoa và do đó họ không có nhiều điểm chung với các nhóm cử tri mà họ đại diện.

Mặc dù tiền bạc có ảnh hưởng đến chính trị ngay cả tại các nước phương Tây, nhưng điều đó chỉ xảy ra thông qua các phương tiện gián tiếp, như tài trợ cho các chiến dịch tranh cử của các chính đảng, và các nhóm vận động hành lang.

Tuy nhiên, tại các nền dân chủ đang phát triển như Ấn Độ và Pakistan, chỉ các ông trùm bất động sản, các nhà tư bản công nghiệp và doanh nhân triệu phú mới có thể khao khát trở thành quan chức bởi chi phí lớn trong chiến dịch tranh cử và người dân thường bị loại bỏ hoàn toàn khỏi toàn bộ quy trình này.

Đây quả thật là sự mỉa mai tiến trình dân chủ, bởi liệu rằng chúng ta có thể kỳ vọng giới tinh hoa giàu có bảo vệ các lợi ích của tầng lớp trung lưu và những người yếu thế trong xã hội?

Họ rõ ràng sẽ ban hành những đạo luật và chính sách công có lợi cho các lợi ích tài chính của tầng lớp họ mà không đếm xỉa tới các lợi ích của những người dân bị tước quyền bầu cử./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục