Khi các đồng minh chưa thực sự tin "Nước Mỹ đã trở lại"

Chuyên gia khẳng định ngay cả khi các nước G7 nhận ra rằng hợp tác quốc tế là điều cần thiết để giải quyết các vấn đề toàn cầu, “các nước châu Âu vẫn không coi Mỹ là một đối tác tin cậy hoặc lâu dài.”
Khi các đồng minh chưa thực sự tin "Nước Mỹ đã trở lại" ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, tuần trước, trong cuộc họp với những nước đồng minh thuộc Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không bỏ lỡ cơ hội để nhắc lại rằng “Nước Mỹ đã trở lại” trên trường quốc tế và sẵn sàng dẫn đầu trong việc giải quyết các vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài, an ninh mạng, cũng như quá trình phân phối vaccine ngừa COVID-19 cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Trong nhiều vấn đề nổi bật khác, Biden đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của một số nền dân chủ lớn nhất thế giới ủng hộ kế hoạch thành lập một quỹ cơ sở hạ tầng toàn cầu, được gọi là “Hiệp định đối tác Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn” (B3W).

Đây là một nỗ lực cụ thể nhằm thách thức sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc vốn đã tồn tại được 8 năm. Tên của chương trình là lời nhắc lại một cách rất có chủ ý về phương châm trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Biden, khi ông cam kết sẽ giúp “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn” sau khi bị đại dịch COVID-19 tàn phá.

Tổng thống Biden đã mô tả chương trình này là “công bằng hơn” so với BRI của Trung Quốc, đồng thời cho rằng B3W “sẽ không chỉ tốt cho các quốc gia, mà còn tốt cho toàn thế giới và đại diện cho những giá trị mà các nền dân chủ của chúng ta đang có, và không hạn chế các giá trị một cách chuyên quyền.”

Sau 4 năm nước Mỹ dưới thời chính quyền ông Trump, người đã rút Mỹ khỏi hàng loạt thỏa thuận, chà đạp lên các chuẩn mực và gây phản cảm với các đồng minh lâu năm, những lời nói của Biden đã được chào đón nồng nhiệt.

Tuy nhiên, một số chuyên gia như Hans Kundnani - nhà nghiên cứu cấp cao làm việc cho Chương trình châu Âu tại Chatham House, một tổ chức tư vấn về các vấn đề quốc tế ở London - cho rằng đối với nhiều người, những cam kết của Biden là hoàn toàn vô nghĩa.

Kundnani khẳng định ngay cả khi họ nhận ra rằng hợp tác quốc tế là điều cần thiết để giải quyết các vấn đề toàn cầu, “các nước châu Âu vẫn không coi Mỹ là một đối tác tin cậy hoặc lâu dài.”

Thông điệp ảm đạm

Chuyên gia Kundnani nhận định: “Nhìn chung, có khá nhiều người hoài nghi về ý kiến cho rằng nước Mỹ đã ‘trở lại’... Đặc biệt, các nước châu Âu cảm giác rằng có thể một tổng thống khác giống như ông Trump sẽ đắc cử sau 4 năm nữa. Tôi nghĩ rằng thật khó để quên cú sốc mà Tổng thống Trump đã gây ra.”

Nhiều chuyên gia tại Mỹ cũng đưa ra thông điệp ảm đạm tương tự. Barbara Bodine, cựu đại sứ Mỹ tại Yemen và từng công tác tại Bộ Ngoại giao Mỹ trong 3 thập kỷ, nói: “Câu hỏi về độ tin cậy của Mỹ sẽ là một thách thức lớn đối với chính quyền ông Biden... Hầu như bất kỳ ai cũng phải ghi nhớ câu hỏi này trong đầu: Liệu có thỏa thuận nào mà Mỹ đưa ra, kể cả với đồng minh hay đối thủ, có thể tồn tại khi nước này thay đổi chính quyền hay không?”

[Sáng kiến B3W: Tăng trưởng xanh có phải câu trả lời cho sự phục hồi?]

Viết trên trang World Politics Review, Stewart M. Patrick, giám đốc Chương trình Các định chế quốc tế và quản trị toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cũng đưa ra nhận định tương tự: “Chính quyền ông Trump gây hoài nghi về khả năng duy trì vị thế toàn cầu của Mỹ khi khuyến khích các đồng minh thân cận ở châu Âu và châu Á đặt cược vào một nước Mỹ thất thường... và phá bỏ những thỏa thuận quốc tế ít ỏi còn sót lại của lưỡng đảng. Các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa hiện đang có những quan điểm hoàn toàn khác biệt về chính sách đối ngoại.”

Những cú sốc trong quá khứ

Những năm qua, một loạt cú sốc đã đến với các đồng minh của Mỹ, vốn từng coi thường một nước Mỹ mặc dù không phải lúc nào cũng hoàn toàn nhất quán trong hành động, nhưng ít nhất là không thất thường.

Chuyên gia Kundnani cho rằng cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 là cú sốc đầu tiên, bởi giống như hầu hết người dân Mỹ, các quốc gia đồng minh không hề mong đợi Mỹ lựa chọn một cựu ngôi sao truyền hình thực tế không có kinh nghiệm chính trị để điều hành đất nước.

Những cú sốc tiếp tục đến với các nước đồng minh, khi ông Trump đả kích NATO và cố gắng xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các chế độ độc tài từ Bình Nhưỡng đến Moskva.

Tuy nhiên, cú sốc lớn tiếp theo xảy ra vào năm 2018, khi ông Trump rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), hay có tên gọi không chính thức là thỏa thuận hạt nhân Iran.

Quan điểm khác về cuộc bầu cử năm 2020

Ông Trump đã rút Mỹ khỏi ít nhất 13 thỏa thuận, tổ chức và thậm chí cả các hiệp định quốc tế lớn, dường như theo những cách mà các nước đồng minh cho là độc đoán và thất thường.

Vì vậy, khi cuộc bầu cử năm 2020 đến gần, các nước đồng minh đã coi cuộc bỏ phiếu như một tín hiệu cho thấy liệu chính quyền ông Trump có phải là một sai lầm, hoặc một dấu hiệu cho thấy đã có những thay đổi lâu dài bên trong nước Mỹ hay không.

Với việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020, ông Biden đã tự tin sử dụng kết quả này làm bằng chứng cho thấy Mỹ đã sẵn sàng trở lại vị thế vốn có, với tư cách là nhà lãnh đạo của các quốc gia dân chủ trên thế giới. Tuy nhiên, từ kết quả bầu cử, nhiều đồng minh của Mỹ đã đưa ra một thông điệp rất khác.

Tiếp tục hoài nghi

Biden đã đắc cử với hơn 81 triệu phiếu bầu, số phiếu cao nhất mà một ứng cử viên tổng thống từng nhận được. Tuy nhiên, ông Trump vẫn nhận được hơn 74 triệu phiếu bầu - số phiếu lớn thứ hai của một ứng cử viên tổng thống, và cao hơn 11 triệu phiếu bầu so với số phiếu ông từng giành được 4 năm trước.

Vì vậy, khi Biden khẳng định Mỹ đã trở lại, Kundnani cho rằng các nước châu Âu đang nhìn nhận theo một hướng hoàn toàn khác. Ông nói: “Những gì người châu Âu đang nhìn thấy ở Mỹ là một đất nước bị chia rẽ sâu sắc - phân cực sâu sắc theo tất cả các cách mà chúng tôi biết.”

Điều này có tác động sâu sắc đối với cách ứng xử của các quốc gia khác với Mỹ trong việc lập kế hoạch dài hạn.

Định hình các thỏa thuận tương lai

B3W sẽ là một thách thức quan trọng đối với chính quyền Biden. Việc thuyết phục các nước ký kết những thỏa thuận tài chính dài hạn, trị giá hàng tỷ USD và có ảnh hưởng đến sự phát triển của họ trong nhiều thập kỷ tới, sẽ phụ thuộc vào niềm tin của các nước về khả năng những thỏa thuận đó vẫn tồn tại khi ông Biden không còn ở Nhà Trắng.

Điều này không chỉ đúng với B3W, mà còn đúng với bất kỳ sáng kiến đa phương lớn nào mà ông Biden đề xuất thực hiện. Bodine, hiện là giám đốc của Viện Nghiên cứu Ngoại giao tại Đại học Georgetown, cho biết ít nhất bà mong đợi rằng các đồng minh thực hiện các thỏa thuận đa phương lớn với Mỹ sẽ nhấn mạnh về việc “chỉ rõ các điều khoản rút lui nghiêm ngặt."

Mặc dù vậy, bà Bodine lưu ý rằng chính quyền ông Trump đã phớt lờ các nghĩa vụ khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Những điều chỉnh cần thiết

Rộng hơn, bà Bodine hy vọng các thỏa thuận quốc tế sẽ được xây dựng theo cách để chúng vẫn có thể tồn tại trước khả năng Mỹ rút lui, đồng thời chỉ ra rằng các quốc gia khác đã bắt đầu điều chỉnh các thỏa thuận sao cho phù hợp với sự vắng mặt của Mỹ.

Sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2020, các quốc gia còn lại đã bỏ phiếu để giữ nguyên các cam kết trước đó. Khi Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (nay là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) trong những ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống của Trump, các nền kinh tế lớn trong khu vực đã thúc đẩy và hoan nghênh đối thủ lớn nhất của Mỹ trong khu vực là Trung Quốc tham gia hiệp định này.

Lợi thế lớn nhất của Tổng thống Biden là việc ông có mối quan hệ cá nhân lâu dài với các nhà lãnh đạo trên toàn cầu và được cho là người giữ lời hứa. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của ông Biden lại là điều mà ông không thực sự kiểm soát được: hệ thống chính trị của Mỹ chịu tác động phân cực của các đảng phái, vốn khiến các cam kết của mỗi bên đều bị vô hiệu hóa.

Bà Bodine khẳng định: “Vấn đề không phải là sự đáng tin cậy của ông Joe Biden, mà là sự uy tín trong hệ thống chính trị của Mỹ.”

Nhắc lại lời của cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright, người từng gọi Mỹ là “quốc gia thiết yếu,” bà Bodine bày tỏ lo ngại rằng một nước Mỹ - vốn không thể thuyết phục các nước khác thực hiện các cam kết của mình một cách nghiêm túc - có thể “thay đổi vai trò từ thiết yếu sang bất tiện và không phù hợp”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục