Khí đốt Nga đang "làm khó" Đức với Dòng chảy phương Bắc 2

Trong nhiều thập kỷ đường ống “Hữu nghị” dẫn dầu từ Nga sang châu Âu đã "sưởi ấm" nhiều ngôi nhà Đức cả ở thời chiến tranh Lạnh. Nhưng Dòng chảy phương Bắc 2 là "canh bạc thương mại'' của nước Đức...
Khí đốt Nga đang "làm khó" Đức với Dòng chảy phương Bắc 2 ảnh 1Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức ngày 8/11/2011. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong nhiều thập kỷ qua, đường ống “Hữu nghị” đã dẫn dầu từ Nga sang châu Âu, sưởi ấm nhiều ngôi nhà ở Đức thậm chí cả trong những ngày đen tối nhất của Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, việc xây dựng một đường ống mới qua Biển Baltic với tên gọi Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ mang khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức, lại có vẻ không vì mục đích hữu nghị.

Điều này làm chia rẽ mối quan hệ Đức và các đồng minh, khiến Thủ tướng Đức Angela Merkel phải đau đầu suy tính.

Theo Reuters, đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Dòng chảy phương Bắc 2 là một đường ống dẫn “khủng khiếp,” làm gia tăng sự phụ thuộc của Đức vào nguồn năng lượng của Nga.

Ukraine, vốn luôn chống lại những thành phần đòi ly khai do Nga hậu thuẫn, lo sợ đường ống dẫn mới này sẽ cho phép Moskva “hất cẳng” họ khỏi hoạt động kinh doanh vận chuyển khí đốt sinh lợi và đầy chiến lược.

Điều này đã khiến Thủ tướng Merkel khó xử. Với sự suy yếu của liên minh xuyên Đại Tây Dương cùng thái độ ngày càng quyết đoán của Nga và Trung Quốc, bà Merkel hiểu rằng Đức phải đảm nhiệm nhiều hơn nữa vai trò lãnh đạo chính trị ở châu Âu.

Bà từng tuyên bố hồi tháng 7 vừa qua: “Trật tự toàn cầu đang chịu áp lực. Đó là thách thức cho chúng ta. Trách nhiệm của Đức đang gia tăng, Đức phải làm nhiều hơn nữa...”

Vào tháng 4/2018, lần đầu tiên bà thừa nhận rằng có “sự cân nhắc về chính trị” đối với Dòng chảy phương Bắc 2 - một dự án mà vào thời điểm đó bà miêu tả là một canh bạc thương mại.

Hầu hết các nước châu Âu muốn Đức làm nhiều hơn nữa để phô trương ảnh hưởng của châu Âu và bảo vệ các nước láng giềng phía Đông, những nước đang lo ngại về sự xâm lấn của Nga.

Tuy nhiên, việc để Nga bán khí đốt cho Đức trong khi ngăn Ukraine làm điều tương tự sẽ khiến doanh thu vận chuyển khí đốt của Kiev bị sụt giảm và khiến Ukraine, Ba Lan cũng như các nước Baltic dễ bị tổn hại hơn khi nguồn cung khí đốt bị cắt giảm.

Roderich Kiesewetter, một đồng minh của bà Merkel trong Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức, cho biết: “Cái giá phải trả thậm chí sẽ là một sự tổn thất lòng tin ngày càng lớn từ các nước Baltic, Ba Lan và Ukraine.

Những người Đức chúng ta luôn nói rằng việc giữ cho phương Tây thành một khối chính là vấn đề “trọng tâm,” nhưng Nga đã thành công trong việc lôi kéo Đức, ít nhất là trong lĩnh vực chính sách năng lượng, trượt ra khỏi tình đoàn kết của phương Tây.”

Nhiều nhà phân tích cho rằng việc kinh doanh thông qua Dòng chảy phương Bắc 2 là không mấy khả thi. Một đường ống khác đã nối Nga và Đức thông qua Biển Baltic.

Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ tăng gấp đôi công suất nhưng nhu cầu sử dụng đường ống này trong tương lai lại không hề chắc chắn.

Mặt khác, ngành công nghiệp Đức lại thích bất kỳ thứ gì cung cấp năng lượng với giá rẻ hơn. Các đối tác trong liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) bảo thủ của Thủ tướng Merkel, những người có tiếng nói hàng đầu ở Đức và kêu gọi một cách tiếp cận hòa giải với Nga, cũng ủng hộ ý kiến này.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã phân chia tầng lớp chính trị của Berlin. Trong các cuộc đàm phán liên minh hồi đầu năm nay, các bên đã nhất trí đưa ra một cam kết về việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 nhưng cam kết này không được ghi vào biên bản cuộc họp.

[Đức cáo buộc Mỹ cản trở đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2]

Theo Margarita Assenova, một nhà phân tích tại Trung tâm phân tích chính sách châu Âu và luôn chỉ trích Dòng chảy phương Bắc 2, Nga vẫn có thể xuất khẩu gấp đôi lượng khí đốt tới châu Âu thông qua các đường ống sẵn có của Ukraine mà không cần xây thêm một đường ống mới.

Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối từ các đối tác châu Âu, từ Mỹ và từ các thành viên trong đảng của bà Merkel, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn được tiếp tục. Tham vọng ngoại giao của Đức đang bị cản trở bởi logic kinh doanh “tàn bạo” của dự án này.

Mặt khác, dự án này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Gazprom - “gã khổng lồ” năng lượng quốc doanh của Nga, vốn đang sở hữu công ty điều hành dự án ống dẫn Nord Stream 2 AG. Giám đốc điều hành công ty này là Matthias Warnig, từng là một điệp viên của Đông Đức được giao nhiệm vụ báo cáo tình hình kinh doanh ở Tây Đức, và hiện được coi là một trong những nhà vận động hành lang đáng gờm nhất của Berlin.

Dòng chảy phương Bắc 2 nằm trong một mạng lưới các dự án do Kremlin tài trợ và dường như được thiết kế để làm suy yếu Ukraine, một trong những nước gây nhiều rắc rối nhất và lớn nhất mà Moskva từng cai trị.

Ngoài Dòng chảy phương Bắc 2, mạng lưới này còn bao gồm cả Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, đường ống dẫn đi qua Biển Đen và vòng qua Ukraine về phía Nam.

Các nhà lập pháp cho rằng ông Warnig đã đáp trả những hoài nghi của họ bằng việc cam kết sẽ trực tiếp nêu lên những lo ngại của họ đến Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời nói thêm rằng đường ống này phục vụ những lợi ích chiến lược của Kremlin.

Tuy nhiên, đối với Gazprom, dự án đường ống này có ý nghĩa là việc vận chuyển khí đốt đi qua một nước vẫn đang có xung đột với Nga là điều cực kỳ nguy hiểm và ngày càng không khả quan, trong bối cảnh những đường ống từ thời Liên Xô của Ukraine đang ngày càng cũ đi.

Đức và Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực môi giới một thỏa thuận giữa Moskva và Kiev để tiếp tục vận chuyển khí đốt qua Ukraine khi hợp đồng vận chuyển hiện tại sẽ kết thúc vào năm 2019.

Các nhà phê bình cho biết điều này có nghĩa là các nhà tiêu dùng châu Âu sẽ chi trả tiền trợ cấp để đường ống qua Ukraine tiếp tục hoạt động.

Trong đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) có một sự tán thành sâu sắc cho Dòng chảy phương Bắc 2.

Gerhard Schroeder - vị Thủ tướng cuối cùng thuộc đảng này - đã được bổ nhiệm vào những vị trí cấp cao tại các công ty năng lượng của Nga sau khi kết thúc nhiệm kỳ và hiện coi Putin như một người bạn thân.

Đối với nhiều người ở thế hệ cựu Thủ tướng Schroeder, sự hợp tác với Nga là một nét truyền thống trong “chính sách bình thường hóa quan hệ của phương Tây với Nga.” 

Tuy nhiên, thế hệ trẻ tuổi hơn trong đảng, vốn thường chỉ trích các mối liên kết của ông Schroeder với Kremlin, lại tỏ ra vô cùng thận trọng.

Đức bị ràng buộc với Nga suốt nhiều thập kỷ hợp tác trong lĩnh vực cung cấp năng lượng, nhưng Đức cũng phải tạo ra một điều gì đó cho các đồng minh phương Tây của họ.

Giữ vững những sợi dây liên kết với Kremlin là điều phổ biến ở Đức, nơi những cuộc thăm dò cho thấy người dân có thiện cảm với Nga hơn là với các nước khác.

Mặc dù vậy, ngày càng có nhiều quan chức băn khoăn liệu rằng Đức có phải trả một cái giá quá đắt hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục