Không chỉ là “đòn bẩy” phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tín dụng chính sách còn góp phần hiện thực hóa những giấc mơ.
Hơn 5 năm Chỉ thị 40 đi vào cuộc sống, nhiều giấc mơ đi học, giấc mơ khởi nghiệp hay giấc mơ về một ngôi nhà kiên cố đã được “chắp cánh” nhờ đồng vốn chính sách.
Cho đến bây giờ, bà Trần Thị Thêu ở thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá vẫn không quên cảm xúc vừa mừng, vừa lo khi cầm tên tay tờ giấy báo trúng tuyển Đại học của cậu con trai đầu lòng. Nỗi lo của bà Thêu cũng được giải toả khi đồng vốn chính sách “gõ cửa” gia đình bà.
Nhớ lại những ngày đầu, bà Trần Thị Thêu ngậm ngùi nói: “Con đỗ Đại học thì mừng chưa được một giây, tôi hoang mang không biết lấy tiền đâu cho con ăn học khi cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Tôi đã nghĩ đến phương án để con ở nhà đi làm phụ kiếm thêm cho bố mẹ nuôi các em. Nhưng tôi lại thấy thương con, không lỡ. May mắn nhờ ơn Đảng, ơn Chính phủ, mọi thứ được "tháo nút" khi Ngân hàng Chính sách Xã hội cho tôi vay vốn để làm ăn và cho con đi học."
Cũng nhờ đó, chàng trai Lê Xuân Cường, con trai bà Thêu đã khăn gói lên đường và 4 năm sau anh cầm tấm bằng cử nhân Học viện Nông nghiệp về quê “chiến đấu” với cái nghèo.
Trên mảnh đất quê hương, anh Lê Xuân Cường đang là tấm gương khởi nghiệp cho thanh niên trong xã Ngọc Phụng. Vườn dưa vàng hơn 1.000m2 do anh Cường kỳ công nghiên cứu mỗi năm đã cho thu nhập hơn 300 triệu đồng.
[Khi ý Đảng đi vào lòng dân: Điểm sáng trong chính sách giảm nghèo]
Chàng trai trẻ đầy hoài bão đang ấp ủ ước mơ mở rộng diện tích và nhân rộng mô hình cho bà con trong vùng để đẩy lùi đói nghèo. Bên vườn dưa vàng bội thu, anh Cường không quên nhắc đến nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ anh suốt quá trình học Đại học để có được thành quả như hôm nay.
Không riêng gì anh Cường, chị Nguyễn Thị Vĩnh An ở Khu phố 11, Phường 5, Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị cũng rất xúc động khi chia sẻ về đồng vốn chính sách đối với gia đình chị.
Chị An được sinh ra trong một gia đình thuần nông của huyện vùng trũng Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị,đời sống của người dân chủ yếu dựa vào 2 vụ lúa nên việc duy trì cho con em đến giảng đường Đại học vô cùng khó khăn.
Trong lúc rất nhiều gia đình cho con em nghỉ học để vào miền Nam lập nghiệp trong các nhà máy, xí nghiệp, ba mẹ chị vẫn kiên trì bám trụ cho 4 anh em đến trường bởi suy nghĩ rất đơn giản rằng “chỉ có đến trường mới là con đường thoát nghèo bền vững nhất.”
Giữa lúc con cái ngày một lớn, tiền ăn học ngày một cao, mỗi lần đến kỳ gửi tiền cho con, ba mẹ chị An phải chạy vạy mượn nhà này nhà kia rất vất vả. May mắn năm 2007 có gói vay dành cho học sinh sinh viên, đó thực sự là cứu cánh cho gia đình chị lúc bấy giờ.
Chị An vẫn nhớ như in hình ảnh rạng rỡ của mẹ khi đi nhận tiền từ Ngân hàng Chính sách Xã hội về.Lúc đó em gái chị hỏi “ Sao đi vay tiền mắc nợ họ mà mẹ mừng vậy?”
Bà mẹ ôn tồn giải thích: “Chưa kể chuyện lãi bên Ngân hàng Chính sách Xã hội rẻ hơn mà có người cho vay để mỗi tháng không lo lắng suy nghĩ xem nhà ai có tiền để tới muợn, rồi vay chỗ này đập chỗ kia là mẹ hạnh phúc rồi.”
“Vất vả, cực nhọc là thế nhưng cả nhà chúng tôi đã dìu dắt nhau vươn lên, đến hôm nay dù vẫn là khách hàng thân thiết của Ngân hàng Chính sách Xã hội nhưng ba mẹ tôi có thể nở nụ cười mãn nguyện vì cả 4 đứa con đều ăn học thành tài, có công ăn việc làm ổn định, không phải sống dựa vào nông nghiệp bấp bênh như ba mẹ,” chị An nói.
Khi lập gia đình, với thu nhập của hai vợ chồng trẻ còn thấp, một ngôi nhà của chính mình là điều xa vời đối với gia đình chị An. Hơn 5 năm sống ở Đông Hà gia đình nhỏ của chị An đã trải qua 5 nhà trọ khác nhau.
Trận mưa lớn năm 2018 là một kỷ niệm không bao giờ quên với vợ chồng chị. Năm ấy tất cả mọi thứ trong nhà đều ướt, chỉ duy nhất chiếc giường để con gái nhỏ nằm ngủ khô ráo.
“Cái cảnh nơm nớp lơ sợ khi mùa mưa tới, rồi mùa nắng thì vợ chồng chia nhau ở lại cơ quan buổi trưa để tránh nóng khiến chúng tôi bắt đầu liều lĩnh nghĩ đến việc làm nhà. Tôi đã mạnh dạn đến Ủy ban nhân dân phường đăng ký nhu cầu vay vốn chương trình Nhà ở xã hội. Ngày cán bộ tín dụng báo tôi lên làm hồ sơ tôi mới thấm thía câu nói năm xưa của mẹ, tôi cũng nhận ra rằng thì ra hạnh phúc của mỗi người đôi khi không phải điều gì quá cao xa mà chỉ là được vay vốn với lãi suất thấp.”
Câu chuyện của anh Cường, chị An lại một lần nữa khẳng định tín dụng chính sách là một trong những giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo.
Qua đó tiếp tục khẳng định Ngân hàng Chính sách Xã hội là một định chế tài chính công thực hiện có hiệu lực, hiệu quả các chính sách xã hội của Chính phủ. Tín dụng chính sách xã hội đã đóng vai trò là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, tạo được lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân ngày càng gắn bó.
“Tôi muốn chia sẻ rằng trong chặng đường vượt khó của chúng tôi, của mỗi học sinh sinh viên, mỗi người nông dân hay công chức viên chức thu nhập thấp luôn có sự đồng hành hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thông qua các gói vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Bằng tình cảm chân thành nhất tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền đã luôn kịp thời đồng hành cùng mỗi người dân trên mỗi giai đoạn quan trọng của đời người, đó là học tập, là lập nghiệp, khởi nghiệp, là an cư,” chị Nguyễn Thị Vĩnh An xúc động nói./.
Khi ý Đảng đi vào lòng dân: Điểm sáng trong chính sách giảm nghèo
Khi ý Đảng đi vào lòng dân: Đòn bẩy phát triển kinh tế ở nông thôn