Khi ý Đảng đi vào lòng dân: Điểm sáng trong chính sách giảm nghèo

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới.
Khi ý Đảng đi vào lòng dân: Điểm sáng trong chính sách giảm nghèo ảnh 1Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Nhận thức tầm quan trọng của tín dụng chính sách trong công cuộc giảm nghèo và hỗ trợ đối tượng chính sách, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40).

Đây là lần đầu tiên Ban Bí thư ban hành một chính sách lớn đối với tín dụng chính sách xã hội. Đó là sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, phù hợp và mang tính chiến lược của Đảng, Nhà nước để cả hệ thống chính trị cùng chung sức hỗ trợ, thúc đẩy nhóm yếu thế nhất trong xã hội vươn lên.

Thực tế đã chứng minh, qua hơn 5 năm có sự “dẫn đường” của Chỉ thị 40, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành điểm sáng trong chính sách giảm nghèo. Trong số các chính sách phát triển kinh tế-xã hội được triển khai thời gian qua, tín dụng chính sách xã hội được đánh giá là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc.

Với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị các cấp, được thực hiện qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, tín dụng chính sách như một đòn bẩy kinh tế để thực hiện các chủ trương chính sách, các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo.

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới.

Với ý nghĩa đó, TTXVN giới thiệu chùm bài “Từ biện pháp "cho con cá” sang giải pháp "đưa cần câu": Khi ý Đảng đi vào lòng dân” với 5 bài viết phản ảnh hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách được thực hiện dưới sự dẫn dắt của Đảng và chuyển biến nhận thức mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị về xóa đói giảm nghèo từ biện pháp "cho con cá” sang giải pháp "đưa cần câu."

Xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk có 21 thôn buôn; trong đó 14 buôn là đồng bào dân tộc Ê Đê. Đời sống kinh tế của người dân tại xã trước kia rất khó khăn nhưng từ khi có vốn chính sách, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm nơi đây đã giảm từ 4-5%.

Ông Trần Hậu Hương, Bí thư Đảng uỷ xã Ea Drông cho biết, năm 2007-2010 toàn xã có 843 hộ nghèo, nhưng nhờ được tiếp cận vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đến nay trên địa bàn xã chỉ còn 298 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,6%. Kết quả này thể hiện rõ nét hơn từ khi Chỉ thị 40 về với buôn làng.

Chỉ thị của lòng dân

Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Cùng với đó là nâng cao trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Ban Bí thư cũng yêu cầu các đơn vị này tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; đồng thời nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đây là lần đầu tiên Ban Bí thư ban hành một chính sách lớn đối với tín dụng chính sách xã hội. Chỉ thị 40 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống bởi phù hợp và đáp ứng kịp thời nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

[Giảm nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh: Trao “cần câu” thay “xâu cá”]

Chỉ thị 40 là bước đột phá trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, qua đó tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Ông Triệu Tài Vinh, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc. Đây là một hình thức đầu tư cho người nghèo, nhằm hạn chế việc “cho không”, một thực trạng từng kéo dài, không hiệu quả.

Thực tế đó đã được Quốc hội đánh giá và cần đổi mới các chính sách đối với người nghèo, đổi mới “cách cho” dựa trên kế hoạch sản xuất của người dân, dựa trên trách nhiệm sử dụng vốn, trách nhiệm trả vốn cho Nhà nước thông qua Ngân hàng.

Ông Trần Hậu Hương cũng cho biết, nhiều bà con ở xã Ea Drông rất vui vì từ khi tiếp cận nguồn vốn chính sách đã được vay với số tiền nhiều, lãi suất thấp. Không những thế khi làm hồ sơ vay vốn còn rất thuận tiện. Nếu không được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhiều gia đình phải đi vay ngoài lãi suất rất cao từ 3 đến 4%.

Khi ý Đảng đi vào lòng dân: Điểm sáng trong chính sách giảm nghèo ảnh 2Niềm vui của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện nghèo Si Ma Cai khi được vay vốn, tạo sinh kế bền vững. (Ảnh: Vietnam+)

Bí thư Đảng uỷ xã Ea Drông cũng chia sẻ, ở địa phương đã có những hộ vay tín dụng đen. Khi vay chỉ 300 triệu trong vòng 8 tháng tiền lãi và gốc lên trên 3 tỷ đồng, từ đó làm ảnh hưởng đến tư tưởng của nhân dân và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nhờ có Chỉ thị 40 mà địa phương từ một xã trọng điểm về an ninh chính trị, nay cơ bản đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

“Chỉ thị 40 cũng đã góp phần vào việc làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, người dân yên tâm lao động sản xuất gắn bó buôn làng, có cuộc sống ổn định, đời sống được nâng cao,” Bí thư Đảng uỷ xã Ea Drông nói.

Trong số các chính sách phát triển kinh tế-xã hội được triển khai trong thời gian qua, tín dụng chính sách xã hội là một điểm sáng. Qua đó góp phần thực hiện được mục tiêu tăng trưởng đi đôi với phát triển, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng.

Đây cũng là minh chứng khẳng định chủ trương tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã đề ra tại Chỉ thị 40 là chủ trương đúng đắn.

Trụ cột quan trọng của chương trình giảm nghèo

Bí thư Đảng uỷ xã Ea Drông khẳng định, vào thời điểm những năm 2001-2005 việc tiếp cận Ngân hàng Chính sách Xã hội để vay vốn rất khó khăn, chủ yếu dựa vào kênh Hội Liên hiệp phụ nữ, mỗi hộ chỉ được vay 2 triệu đồng.

Từ sau khi có Chỉ thị 40 mỗi hộ được vay từ 30 đến 100 triệu đồng vừa thuận lợi mà lãi suất thấp. Nhờ có nguồn vốn đó đến nay, toàn xã có tổng dự nợ 77,7 tỷ đồng với 1.779 người dân được vay vốn.

Cuộc sống của người dân trên triền bazan tươi mầu đất đỏ đã đổi thay nhiều từ khi có đồng vốn chính sách. Nguồn vốn này đã tạo điều kiện và cơ hội để đồng bào các dân tộc trong xã nghèo trên cao nguyên này đầu tư phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo. Từ đó, hình thành được các mô hình kinh tế phát triển có hiệu quả như mô hình nuôi lợn sạch, mô hình nuôi dê bán chăn thả, mô hình trồng xen các cây công nghiệp dài ngày và cây ngắn ngày.

Bí thư Đảng uỷ xã Trần Hậu Hương hồ hởi cho biết, nhiều gia đình đã lập trang trại chăn nuôi dê, bò, lợn, cá, gà... có vốn kết hợp áp dụng khoa học kỹ thuật, chịu khó tiết kiệm và đã thoát nghèo bền vững, cuộc sống được cải thiện. Nhiều hộ làm ăn có lãi đã có nhà xây, xóa nhà tạm bợ, mua được xe máy, các đồ dùng sinh hoạt có giá trị.

Đối với gia đình chị Phùng Thị Chiều ở thôn Tân Quang, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, nguồn vốn chính sách xã hội như chiếc cần câu giúp gia đình thoát khỏi cái nghèo đeo bám suốt nhiều năm.

Chị Chiều kể, năm 2013, kinh tế gia đình chị rất khó khăn, may nhờ chị em trong Hội phụ nữ thôn giới thiệu chị được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Số tiền này chị Chiều mua 2 con trâu về nuôi.

Sau 1 năm trâu sinh trưởng và sau 3 năm chị có đủ tiền trả cho ngân hàng lại có thêm tiền lãi, chị tiếp tục nuôi lợn. Nhờ sự cần cù nên đàn lợn của chị ngày một sinh sôi và cho thu nhập khá. Đến nay gia đình chị Chiều đã thoát nghèo bền vững.

Câu chuyện về xã Ea Drông hay trường hợp chị Chiều là những minh chứng cho nhận định chính sách tín dụng xã hội là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đây cũng là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo.

Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2014-2019, số hộ nghèo trong cả nước giảm nhanh; trong đó tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 giảm từ 14,2% xuống 4,25%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 5,23% ( năm 2018), 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 900 nghìn lao động, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông dân, nông thôn.

Việt Nam đã sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp Quốc, trở thành hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển về xóa đói giảm nghèo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục