Khơi dậy và thắp sáng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, việc giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào “thiện chí” của các bộ ngành, địa phương.
Công nhân Công ty Cổ phần Thời trang K’s Closet (Hà Nội) sản xuất khẩu trang kháng khuẩn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Công nhân Công ty Cổ phần Thời trang K’s Closet (Hà Nội) sản xuất khẩu trang kháng khuẩn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì cuộc họp Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2020. Sự kiện được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam và được đánh giá là Hội nghị Diên hồng trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Đây là hội nghị lần thứ 4 Thủ tướng đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp được Thủ tướng tổ chức thường niên ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Các Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp luôn được ghi nhận và đánh giá rất cao. Thông qua những lần tiếp xúc và với tinh thần cầu thị, Chính phủ đã lắng nghe những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn của doanh nghiệp; đồng thời tiếp thu và chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương kịp thời điều chỉnh, xử lý bất cập trước nhiều rào cản xuất phát từ chính sách gây khó cho người dân và doanh nghiệp. Song song đó, Chính phủ nhanh chóng ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết giúp thúc đẩy kinh tế.

Có thể điểm qua như Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tới năm 2030 hay Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 6/6/2017 về “tiếp tục triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp; Nghị quyết 110/NQ-CP ngày 25/8/2018 về “một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng.”

Thủ tướng Chính phủ còn đưa ra nhiều kết luận tại các hội nghị chuyên đề trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như logistics, đầu tư, xây dựng cơ bản, xuất nhập khẩu, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tích tụ và tập trung đất đai, phát triển công nghiệp hỗ trợ…

Qua thực tiễn triển khai nhiệm vụ "tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp để chuyển tới các cơ quan quản lý Nhà nước xử lý và định kỳ hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ và hàng quý báo cáo Chính phủ," ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào “thiện chí” của các bộ ngành, địa phương.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc trả lời hay giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp là khá khó khăn, rất ít trường hợp doanh nghiệp được các bộ ngành, địa phương trả lời kiến nghị bằng văn bản.

Sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần đầu tiên được tổ chức vào  năm 2016, tỷ lệ trả lời kiến nghị của doanh nghiệp do VCCI chuyển đến các bộ ngành đã đạt 45%.

Sau khi đưa vào hoạt động Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vào cuối năm 2016, tỷ lệ trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ ngành, địa phương đã đạt 76,1%.

Sau 4 năm (2016-2019), tỷ lệ trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ ngành đã đạt gần 80%. Việc đăng công khai nội dung kiến nghị và các cơ quan bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm trả lời đã có tác dụng tốt trong nâng cao tỷ lệ trả lời và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Đây cũng là minh chứng cho sự chuyển biến tích cực của các cơ quan Chính phủ theo tinh thần “Chính phủ kiến tạo,” ông Lộc nhấn mạnh. 

[Chính phủ ‘lắng nghe’ doanh nghiệp hiến kế thúc đẩy phục hồi kinh tế]

Số liệu tổng hợp của VCCI cho thấy, giai đoạn 2016-2019, đã có gần 3.300 kiến nghị của doanh nghiệp được tiếp nhận qua các kênh thông tin như Văn phòng Chính phủ, VCCI, hiệp hội doanh nghiệp và chuyển đến các bộ, ngành, địa phương xem xét, giải quyết, trả lời doanh nghiệp; trong đó, 78,5% tương đương với gần 2.600 kiến nghị đã được trả lời, giải quyết; 21,5% tương đương với hơn 700 kiến nghị chưa được trả lời, giải quyết.

Riêng trong quý 1 năm 2020, có 111  kiến nghị mới của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp được tiếp nhận. Theo đó, mới có 24 kiến nghị được giải quyết và 87 kiến nghị chưa được xem xét phản hồi...

Rất nhiều hiệp hội doanh nghiệp bày tỏ ý kiến cho rằng, trong mối quan hệ tương tác giữa Chính phủ, các bộ, ngành với cộng đồng doanh nghiệp, có thể thấy, một số cơ quan, đơn vị đã chủ động tiếp nhận và giải quyết kịp thời nhiều kiến nghị của doanh nghiệp đúng theo thời hạn quy định như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế... 

Cách thức tổ chức tiếp nhận, chuyển giao kiến nghị của doanh nghiệp thông qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Phiếu chuyển kiến nghị của Văn phòng Chính phủ và việc theo dõi sát sao giải quyết kiến nghị của VCCI với các bộ ngành, địa phương đã phát huy tác dụng rõ rệt, góp phần quan trọng tăng số lượng kiến nghị từ doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp và tạo “áp lực” hành chính để các bộ ngành, địa phương phải nghiêm túc nghiên cứu, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp.

Quan trọng hơn là nhờ có sự sâu sát của các nhóm công tác về cải cách thủ tục hành chính đã tạo sự chuyển biến tích cực của các bộ ngành, địa phương trong lĩnh vực "nóng"; đặc biệt, giúp cải thiện phương thức và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho hay, những kết quả đạt được nhờ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong nhiều năm qua là rất đáng trân trọng và cần được ghi nhận. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là cộng đồng doanh nghiệp đã bớt nhiều khó khăn để vững bước trên con đường làm ăn chân chính.

Khách quan nhận định, việc cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập và vẫn còn nhiều dư địa để tiến hành mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, thu lại hiệu quả cao hơn.

"Đã gọi là đồng hành cùng doanh nghiệp thì Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương cũng cần "nhìn thẳng" và đối diện với thực tế khách quan; cần có những quyết sách thiết thực và hữu ích hơn để tập trung xây dựng, kiến tạo một môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, công khai và minh bạch, thực hiện một thể chế kinh tế thị trường đúng nghĩa và thực chất.

Có như vậy mới giúp thúc đẩy được hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và trở thành quốc gia có môi trường đầu tư hấp dẫn, nhiều sức hút",ông Nguyễn Văn Thân chia sẻ.

Cùng có chung quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho rằng, nếu khắc phục được những điểm hạn chế và còn tồn tại thì nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp của Chính phủ chắc chắn sẽ còn thu lại hiệu quả cao hơn. Vẫn có tình trạng chậm trả lời, giải quyết không dứt điểm các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp.

Nhiều đơn vị tỏ rõ sự lúng túng hoặc đùn đẩy trách nhiệm trong phản hồi hay xử lý các vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp hoặc các hiệp hội kiến nghị, đề xuất hỗ trợ. Điều đó lý giải vì sao tỷ lệ doanh nghiệp chưa hài lòng hay không tham gia đánh giá vẫn còn khá cao....

Thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo - hành động - liêm chính; cũng như đánh giá về các nỗ lực tăng cường tương tác giữa Chính phủ với doanh nghiệp và người dân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng từng nhiều lần khẳng định, các hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp đã được tổ chức là một trong những nội dung nhằm triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cải cách các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp tháo gỡ các rào cản, khó khăn trong vướng mắc đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cắt giảm chi phí, gia tăng hiệu quả hoạt động....

Qua đây cũng giúp cho việc cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính đi vào thực chất hơn; giải quyết căn cơ và toàn diện những vấn đề còn chồng chéo, vướng mắc giữa các văn bản luật và luật định đang "trói chân" và gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cơ bản là cần tạo sự đồng thuận của toàn hệ thống chính trị trong nỗ lực chung nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, lấy đối tượng trọng tâm phục vụ là người dân và doanh nghiệp.   

Cũng chính nhờ các hội nghị đối thoại, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp đã tạo nền tảng và cảm hứng cho phong trào cải cách ở mọi cấp, ngành, mọi địa phương như hiện nay.

Ông Vũ Tiến Lộc đề cập: "Đã có đến “một ngàn lẻ một” câu chuyện cải cách đang được chia sẻ giữa các địa phương.

Mô hình “Càphê Doanh nhân” hay “sự chụm đầu” thân thiện và hiệu quả giữa các anh chị em chính quyền và doanh nghiệp đã trở thành nếp sinh hoạt đẹp đẽ và không thể thiếu được trên 40 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Còn nhiều mô hình khác như: Hiệp hội doanh nghiệp nhất thể hoá ở cấp tỉnh, Trung tâm dịch vụ hành chính công, Trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp, Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA), Bác sỹ doanh nghiệp cùng các thực tiễn tốt trong hợp tác đối tác công tư (PPP)... cũng được lan tỏa giữa các địa phương đang thổi bùng ngọn lửa cải cách trên khắp mọi miền đất nước".

Với sự đồng lòng như vậy đang giúp "tô màu" cho bức tranh toàn cảnh về môi trường kinh doanh và triển vọng kinh tế Việt Nam ngày càng trở nên tươi sáng hơn. Ở đó, niềm tin của doanh nghiệp đang được tiếp tục được khơi dậy và thắp sáng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục