"Khủng hoảng Syria có thể giải quyết giống Yemen"

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu với báo giới, cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria có thể giải quyết theo kịch bản Yemen.
Phát biểu với báo giới ngày 29/11 tại Mátxcơva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria có thể giải quyết theo kịch bản Yemen.

Tuyên bố trên của quan chức ngoại giao Nga được đưa ra sau khi ngày 23/11, Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đã ký thỏa thuận chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Abdrabuh Mansur Hadi, bản thân ông  Saleh và gia đình được quyền miễn truy tố.

Ngoại trưởng Nga nêu rõ tất cả các nước hiện đang yêu cầu một hành động chống lại Syria đã thể hiện cách tiếp cận hoàn toàn khác đối với Yemen, nơi mà các cuộc đàm phán về kế hoạch hòa bình do Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đề xuất kéo dài nhiều tháng.

Theo ông Lavrov, cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria có thể được tháo ngòi theo hướng này vì việc nhiều nước, trong đó có các nước thành viên Liên đoàn Arập (AL), ra tối hậu thư với chính quyền Damascus sẽ không giải quyết được vấn đề.

Nga kêu gọi AL phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với những gì đang diễn ra trong khu vực.

Ông nhấn mạnh việc quan trọng nhất là ngừng hành động theo kiểu ra tối hậu thư và tìm cách xúc tiến đối thoại chính trị.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Lavrov cũng lến tiếng phản đối đề nghị áp đặt lệnh cấm vận vụ khí đối với chính quyền Syria và cho rằng đây là hành động "không trung thực."

Theo ông, nếu lệnh cấm vận vũ khí được áp đặt đối với Syria trên thực tế chỉ có hiệu lực đối với quân đội chính phủ, trong khi nhiều nhóm chống đối chính phủ Syria, kể cả những "đội quân" nước ngoài, vẫn đang được cung cấp vũ khí đầy đủ.

Trong khi đó, phát biểu cùng ngày trong một cuộc phỏng vấn kênh truyền hình Kanal 24, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết Ankara không muốn tính đến việc lựa chọn quân sự để can thiệp Syria, song "đã sẵn sàng cho mọi kịch bản."

Theo ông, cộng đồng quốc tế có thể quyết định thiết lập một vùng đệm và đây là điều cần làm ở Syria nếu hàng trăm người tìm cách chạy nạn ở nước này.

Ông nhấn mạnh Chính phủ Syria cần tìm cách kiến tạo hòa bình với người dân nước họ và Damascus vẫn có cơ hội chập thuận các quan sát viên quốc tế đến nước này theo đề xuất của AL.

Gần tám tháng đã trôi qua nhưng phong trào chống Chính phủ Syria vẫn chưa chấm dứt.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn tiếp tục kêu gọi Damascus chấm dứt ngay bạo lực, đồng thời áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhằm gây áp lực buộc Tổng thống Bashar al-Assad phải từ chức.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, hơn 3.500 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Syria./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục