Bộ Công Thương vừa yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Công ty Điện lực và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền những vi phạm trong việc thực hiện giá bán lẻ điện tại các địa điểm cho thuê nhà để ở.
Việc kiểm tra nhằm đảm bảo cho người thuê nhà được áp dụng đúng các quy định về giá bán lẻ điện sinh hoạt quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-BCT.
Trước đó, tại buổi gặp gỡ công nhân các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2018 ngày 20/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận được chia sẻ của công nhân về việc người lao động ngoại tỉnh thuê nhà trọ phải chịu tiền điện, nước cao hơn các hộ gia đình sinh hoạt.
[Bán điện cho công nhân cao hơn giá điện sinh hoạt là vi phạm pháp luật]
Trước thông tin này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hà Nam, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như các địa phương khác, phối hợp tiến hành kiểm tra việc các nhà trọ cho công nhân thuê, nếu đúng như công nhân phản ánh thì đó là hành vi vi phạm pháp luật của các chủ nhà trọ.
Về phía EVN, tập đoàn này cho biết, theo quy định tại Điều 10 của Thông tư số 16/2014/TT-BCT, ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương về việc Hướng dẫn thực hiện giá bán điện, trong trường hợp chủ nhà trọ đứng tên ký hợp đồng mua bán điện sẽ được cấp định mức hoặc áp 1 giá theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (nếu không xác định được số hộ).
Theo đó, hồ sơ gồm sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan công an quản lý địa bàn. Khi có thay đổi về người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện.
Ngoài ra, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Cụ thể: một người được tính là 1/4 định mức, hai người được tính là 1/2 định mức, ba người được tính là 3/4 định mức và 4 người được tính là 1 định mức.
Trong trường hợp không thể kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101 - 200 kWh: 1.858 đ/kWh chưa bao gồm VAT) cho toàn bộ sản lượng điện.
Cũng theo EVN, chủ nhà trọ có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hoá đơn tiền điện hàng tháng do Công ty điện lực phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung.
Đối với trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên đứng tên ký hợp đồng mua bán điện thì đại diện người lao động hoặc sinh viên thuê nhà ký kết hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà). Công ty Điện lực phát hành hóa đơn trực tiếp cho người ở trọ.
Bộ Công Thương thì cho biết, trong năm 2014, trên cơ sở báo cáo của các đơn vị điện lực, để tạo điều kiện cho các chủ nhà cho thuê thu tiền điện của hộ thuê nhà trong trường hợp không kê khai được số người, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 quy định về thực hiện giá bán điện, trong đó có bổ sung quy định trường hợp không thể kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: từ 101-200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.
Do vậy, việc chủ nhà cho thuê thu tiền điện của sinh viên, người lao động thuê nhà để ở theo giá điện cho mục đích kinh doanh là vi phạm quy định pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Cụ thể, phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt./.