Kiên Giang đạt sản lượng lúa vụ Đông Xuân hơn 2 triệu tấn

Vụ lúa này, Kiên Giang sản xuất lúa chất lượng cao chiếm 98,5% diện tích gieo trồng, xây dựng 210 cánh đồng lớn với tổng diện tích 52.277ha, liên kết tiêu thụ lúa 127 cánh đồng với diện tích 31.496ha.
Kiên Giang đạt sản lượng lúa vụ Đông Xuân hơn 2 triệu tấn ảnh 1Nông dân thu hoạch lúa Đông Xuân. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Vụ lúa Đông Xuân 2021-2022, tỉnh Kiên Giang gieo trồng 283.868ha, vượt 868ha so với kế hoạch và đến thời điểm này cơ bản đã thu hoạch xong với năng suất bình quân 7,4 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, vụ lúa này, sản xuất lúa chất lượng cao chiếm 98,5% diện tích gieo trồng, xây dựng 210 cánh đồng lớn với tổng diện tích 52.277ha, liên kết tiêu thụ lúa 127 cánh đồng với diện tích 31.496ha.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Nguyễn Văn Dũng cho hay sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2021-2022 hiệu quả.

Các địa phương cùng với ngành nông nghiệp đã chủ động ứng phó, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

[Cần Thơ: Lúa Thu Đông thu hoạch thuận lợi, giá thấp nhưng vẫn có lãi]

Sở Nông nghiệp xây dựng lịch thời vụ sản xuất một cách hợp lý với từng vùng, tiểu vùng sản xuất trên địa bàn và nông dân tuân thủ khung lịch thời vụ này để gieo sạ, qua đó né sâu bệnh, chống hạn mặn.

Chi cục Thủy lợi quản lý, vận hành điều tiết nguồn nước đảm bảo phục cho sản xuất nông nghiệp và vụ lúa Đông Xuân này không bị thiệt hại do hạn mặn.

Cùng với đó, nông dân thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong sản xuất, sử dụng giống lúa chất lượng cao để gieo trồng.

Ngành chức năng tỉnh phối hợp với các địa phương tập huấn chuyển giao các quy trình canh tác lúa tiên tiến như: “3 giảm - 3 tăng,” “1 phải - 5 giảm,” mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao.

Mặt khác, nông dân cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, nhất là sử dụng các công nghệ mới như: máy cấy, máy gieo sạ cụm, máy bay không người lái, trạm bơm kiểu đứng điều khiển bằng điện thoại thông minh... góp phần giảm lượng giống gieo sạ, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó làm giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.

Nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh mạnh dạn đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc, công nghệ cao phục vụ sản xuất như máy bay không người lái để phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, máy kéo, máy gặt đáp ứng nhu cầu thu hoạch trong mọi điều kiện thời tiết.

Anh Lê Văn Hiền, xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) chia sẻ: “Trên thế giới sử dụng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp. Tôi theo dõi và thấy đạt kết quả cao nên đội của tôi đã đầu tư một máy bay không người lái để phun xịt thuốc trừ sâu phục vụ bà con trong sản xuất. Công nghệ cao này tiết kiệm, hiệu quả hơn so với phun xịt truyền thống, với lượng thuốc giảm hơn 30% và ban ngày hay đêm tối đều phun xịt được trên tất cả các trà lúa. Trong thời gian tới, Đội của tôi dự kiến tiếp tục đầu tư thêm 2 thiết bị này phục vụ sản xuất.”

Sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 thắng lợi về năng suất và sản lượng, đạt kế hoạch đề ra, góp phần bù đắp những ngành nghề kinh tế khác bị thiếu hụt do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nhưng nông dân Kiên Giang kém vui do giá vật tư nông nghiệp tăng cao và giá lúa sụt giảm so với vụ mùa trước.

Nhiều nông dân ở huyện Hòn Đất cho biết từ đầu vụ đến nay, lúa thường dao động ở mức 5.500-5.800 đồng/kg, lúa chất lượng cao 6.000-6.200 đồng/kg, giảm 1.000-1.500 đồng/kg so với vụ mùa trước.

Trong khi đó, chi phí sản xuất tăng lên 1,5-2 triệu đồng so với vụ mùa những năm trước đây do giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nhất là phân bón.

Nông dân đang cần có phương án xây dựng kho để dự trữ lúa sau thu hoạch khi giá thấp, chờ giá lúa tăng cao để bán, khắc phục tình trạng “được mùa mất giá,” sản xuất hiệu quả.

Nông dân Nguyễn Thanh Hồng, xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho biết gia đình ông và bà con nông dân ở đây trong sản xuất thực hiện cơ giới hóa, biết chọn giống lúa gì tốt, chất lượng cao để gieo trồng; áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng lúa và phun xịt trừ sâu như thế nào để an toàn cho hạt gạo.

Tuy nhiên, trong sản xuất, nông dân luôn bị động đầu ra sản phẩm lúa, giá cả bấp bênh, không ổn định, được mùa mất giá; kiến nghị Chính phủ có thể làm cách nào đó như mua lúa dự trữ với giá cả ổn định, bình ổn thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu gạo để giúp nông dân tiêu thụ lúa với giá cao, sản xuất có lời.

Nông dân tới mùa thu hoạch lúa là bị động về giá cả, giá sụt giảm mà năm nay cộng thêm chi phí của vật tư nông nghiệp lên cao nên nông dân rất khó khăn trong bám trụ đồng ruộng của mình. Đặc biệt là trong sản xuất vụ lúa Hà Thu năm nay nhiều khó khăn, bất lợi.

Sản xuất vụ lúa Hè Thu năm 2022, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch gieo trồng 281.000 ha, đến nay xuống giống hơn 71.000ha, tập trung ở các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Châu Thành, Tân Hiệp, Giồng Riềng và thành phố Rạch Giá./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục