Kinh tế Ai Cập dự kiến tăng trưởng tích cực bất chấp dịch COVID-19

IMF dự đoán kinh tế Ai Cập sẽ đạt mức tăng trưởng 3,6% trong tài khóa hiện nay (kết thúc vào tháng 6/2021), như vậy Ai Cập trở thành nền kinh tế Bắc Phi duy nhất ghi nhận đà tăng trưởng trong năm nay.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Cairo, Ai Cập, ngày 29/9/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Cairo, Ai Cập, ngày 29/9/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ai Cập dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực trong tài khóa 2020-2021, bất chấp tác động xấu từ đại dịch COVID-19 cũng như sự sa sút của ngành du lịch.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 9/2020 dự đoán kinh tế Ai Cập sẽ đạt mức tăng trưởng 3,6% trong tài khóa hiện nay (kết thúc vào tháng 6/2021).

Mặc dù thấp hơn các dự báo trước đó, song kết quả này vẫn khiến Ai Cập trở thành nền kinh tế Bắc Phi duy nhất ghi nhận đà tăng trưởng trong năm nay.

Chính phủ Ai Cập ban đầu dự đoán tăng trưởng GDP của nước này sẽ đạt 6% trong tài khóa 2019-2020 (kết thúc vào tháng 6/2020).

Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối của tài khóa vừa qua, đại dịch COVID-19 lan rộng đã tác động xấu đến kinh tế Ai Cập.

Để chống phòng dịch COVID-19, Ai Cập đã phải kéo dài lệnh phong tỏa, qua đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực du lịch của đất nước vốn nổi tiếng với các di sản khảo cổ học và các bãi biển ở Biển Đỏ, khiến nhiều người bị mất việc làm.

[Ai Cập gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 3 tháng]

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 2,7 triệu việc làm tại Ai Cập đã bị mất trong giai đoạn từ tháng 4-6/2020, chủ yếu trong các lĩnh vực bán lẻ và bán buôn, sản xuất, du lịch, vận tải và xây dựng, đẩy tỷ lệ thất nghiệp chính thức lên 9,6%.

Một số nhà kinh tế cho rằng, đà tăng trưởng GDP của Ai Cập ngay cả trong thời kỳ khó khăn do đại dịch COVID-19 là thành quả của những cải cách cứng rắn được thực hiện từ khi Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi nhậm chức vào năm 2014, bao gồm các biện pháp thắt lưng buộc bụng và phá giá đồng bảng Ai Cập.

Ông Ahmed al-Safti, Giám đốc điều hành trung tâm nghiên cứu Delta ở Cairo, cho biết việc phá giá tiền tệ gần 48% vào tháng 11/2016 đã thúc đẩy đầu tư và giúp cải thiện cán cân ngân sách của Ai Cập.

Bên cạnh đó, việc cắt giảm trợ cấp của nhà nước và các loại thuế mới đã giúp Cairo đủ điều kiện nhận khoản vay trị giá 12 tỷ USD thời hạn 3 năm từ năm 2016 của IMF.

Ngành du lịch của Ai Cập đã phục hồi mạnh mẽ với doanh thu đạt mức cao kỷ lục mới là 12,6 tỷ USD trong tài khóa 2018-2019.

Kiều hối đổ về Ai Cập cũng đạt mức kỷ lục, với khoảng 28 tỷ USD trong tài khóa 2019-2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục