Nhân khẩu học sẽ quyết định thế kỷ XXI là của châu Phi

Nhân khẩu học sẽ thúc đẩy tăng trưởng của lục địa này khi thế giới ngày càng bị thu hẹp về số lượng người trong độ tuổi lao động.
Nhân khẩu học sẽ quyết định thế kỷ XXI là của châu Phi ảnh 1Công nhân tại một nhà máy dệt may tại Nam Phi. (Ảnh: MG)

Trang mạng ft.com ngày 30/1 đăng bài của tác giả Paul Jackson - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu phân bổ tài sản của Invesco - công ty quản lý đầu tư độc lập của Mỹ - về triển vọng của châu Phi trong thế kỷ XXI với việc nhân khẩu học sẽ thúc đẩy tăng trưởng của lục địa này khi thế giới ngày càng bị thu hẹp về số lượng người trong độ tuổi lao động.

Nội dung bài viết như sau:

Tại một hội nghị của Hội đồng Đại Tây Dương gần đây tổ chức ở Abu Dhabi, khán giả được yêu cầu đưa ra một từ có liên hệ mật thiết với đầu tư ở châu Phi. Paul Jackson đã chọn từ “cơ hội” và rõ ràng ông thuộc về nhóm thiểu số. Từ được chọn hiển thị trên màn hình là “tham nhũng.”

Dù còn nhiều nghi ngờ, nhưng Paul Jackson cho rằng yếu tố nhân khẩu học là cần và đủ để thể hiện thế kỷ này sẽ là của châu Phi.

Theo Liên hợp quốc, dân số châu Phi hiện vào khoảng 1,3 tỷ người, so với 4,6 tỷ người của châu Á. Vào cuối thế kỷ XXI, Liên hợp quốc dự đoán dân số châu Phi sẽ là 4,3 tỷ người (và vẫn tiếp tục tăng), so với 4,7 tỷ người của châu Á (đã đạt đỉnh 5,3 tỷ người vào năm 2055).

Hơn nữa, châu Phi hiện chiếm 14% dân số trong độ tuổi lao động của thế giới (tức là từ 20-64 tuổi) và châu Á chiếm 62%. Dự đoán của Liên hợp quốc cho thấy vào năm 2100, cả 2 châu lục này sẽ chiếm 42% dân số trong độ tuổi lao động của thế giới.

[Châu Phi đặt kỳ vọng vào việc chuyển đổi sang nền kinh tế số]

Nhiều phân tích lịch sử của Paul Jackson cho thấy mối tương quan rõ ràng giữa tăng trưởng dân số và tăng trưởng kinh tế, vì vậy ông tin rằng châu Phi có một tương lai tươi sáng.

Có lẽ không phải chờ lâu để thấy được điều đó: Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về dự báo cho năm 2019, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực phía Nam Sahara châu Phi ở mức trung bình 4,9%/năm trong giai đoạn 2000-2019 so với 2,8% của thế giới.

Tuy nhiên, bài báo gần đây trên tờ Thời báo Tài chính với tiêu đề “Châu Phi giảm hoạt động công nghiệp khi châu Á chiếm lĩnh thị phần” cho rằng có sự sụt giảm trong tỷ trọng công nghiệp trên GDP ở châu Phi (và sự gia tăng tỷ trọng nông nghiệp).

Điều này đi ngược lại với mô hình phát triển - theo đó một nền kinh tế chuyển đổi đầu tiên từ nông nghiệp sang sản xuất, sau đó sang dịch vụ và như vậy có vẻ như là châu Phi đang đi lùi.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy châu Phi có điểm xuất phát khác biệt: Tỷ lệ nông nghiệp trong GDP của châu Phi chưa bao giờ cao như ở Trung Quốc và Ấn Độ, do đó biên độ suy giảm thấp hơn (mặc dù tỷ trọng nông nghiệp trong GDP đã giảm và hiện tại gần bằng với Ấn Độ).
Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy đã có sự sụt giảm tương tự về thị phần của ngành công nghiệp ở châu Phi, trong cùng thời kỳ đó (từ mức cao nhất là 31% vào giữa những năm 1990 xuống còn 25% vào năm 2018) ngành dịch vụ lại duy trì được sự cân bằng (từ mức thấp giữa những năm 1990 là 43% đến 52% vào năm 2018).

Điều này không quá khác biệt với thực tiễn của Đông Á (không bao gồm các quốc gia có thu nhập cao) và có một số điểm tương đồng với những gì đã xảy ra ở Ấn Độ. Quá trình phi công nghiệp hóa này đã xuất hiện trở thành một hiện tượng toàn cầu với tỷ trọng GDP của ngành công nghiệp giảm từ 32% vào giữa những năm 1990 xuống còn 25% vào năm 2017.

Một bài báo khác trên Thời báo Tài chính tiêu đề “Cuộc khủng hoảng nợ ở các nước nghèo thúc đẩy cắt giảm chi tiêu công” đưa ra liên hệ giữa tham nhũng và chi phí dịch vụ nợ gia tăng ở một số quốc gia (cả 2 yếu tố này có thể đóng vai trò như một cú hích phát triển).

Chỉ số Nhận thức tham nhũng toàn cầu năm 2018 do Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố đã minh họa vấn đề trên. Quốc gia châu Phi được xếp hạng cao nhất (tức là ít tham nhũng nhất) là Botswana ở vị trí 34 (trong số 180), quốc gia xếp hạng thấp nhất là Somalia, trong khi nhiều nước châu Phi khác như Burundi, Libya, Sudan và Nam Sudan thuộc nhóm 10 nước có tham nhũng nghiêm trọng nhất.

Tuy nhiên, châu Phi có thể đã phải chịu một số định kiến trong các cuộc khảo sát này và nếu chúng ta thành thật thì tham nhũng ở khắp mọi nơi (năm 2018, Mỹ có thứ hạng 22): Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu không bắt đầu ở châu Phi.

Paul Jackson đưa ra giả thuyết rằng đầu tư từ các quốc gia như Trung Quốc và sự tăng dần về thu nhập cũng như trình độ học vấn sẽ giảm bớt vấn đề tham nhũng.

Chi phí trả nợ (lãi cộng với trả nợ gốc trong một thời kỳ nhất định) đã và đang tăng ở khu vực phía Nam Sahara châu Phi (cả tổng số nợ và của khu vực công), tuy nhiên điều tương tự cũng đang diễn ra ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

Khu vực phía Nam Sahara châu Phi có GDP bình quân đầu người tương đương với Ấn Độ nhưng có tỷ lệ nợ công cao hơn (dữ liệu của WB cho thấy tỷ lệ này là 2,2% tổng GDP của châu Phi, so với 0,9% của Ấn Độ).

Nghiên cứu tỷ lệ dân số phụ thuộc năm 2020 (phần còn lại của dân số chia cho số người từ 20 đến 64 tuổi) cho thấy chỉ riêng châu Phi hiện có tỷ lệ dân số phụ thuộc cao hơn 1.0 - dẫn đến các vấn đề tài chính khu vực công một cách tự nhiên đối với lục địa Đen.

Paul Jackson cho rằng tỷ lệ dân số phụ thuộc cao ở châu Phi hiện nay là do tỷ lệ sinh cao và trong tương lai, bất lợi này trở thành lợi thế khi các nền kinh tế khác có dân số già và trẻ em châu Phi hiện nay trở thành người lao động.

Vào cuối thế kỷ này, các dự báo của Liên hợp quốc cho thấy châu Phi sẽ có tỷ lệ dân số phụ thuộc thấp nhất và điều này mang lại vị trí tốt hơn cho lục địa Đen so với hầu hết các khu vực khác để giảm gánh nặng liên quan nợ.

Châu Phi có những vấn đề riêng nhưng lục địa này cũng có rất nhiều lợi thế. Khi dân số trong độ tuổi lao động của thế giới ngày càng giảm, lực lượng lao động dồi dào của châu Phi sẽ là một lợi thế, ngoài các yếu tố như các tài nguyên thiên nhiên gồm đất đai màu mỡ, tài nguyên khoáng sản và ánh nắng mặt trời.

Phần còn lại của thế giới phải quyết định xem những nước này muốn công nhân của châu Phi đến nơi có nguồn vốn hay nguồn vốn phải tìm đến nơi có người lao động.

Theo Paul Jackson, nguồn vốn của phần còn lại của thế giới phải tìm đến người lao động ở châu Phi.

Hiện nay, Trung Quốc có thể đang dẫn đầu tại châu Phi, nhưng phần còn lại của thế giới sẽ viết nên câu chuyện thành công của lục địa Đen./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục