Kinh tế số - Động lực thúc đẩy châu Á "chuyển mình" hậu COVID-19

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang có dấu hiệu tích cực với tỷ lệ mắc mới giảm dần và các nước trên toàn thế giới đang có xu hướng "chuyển mình" khỏi nền kinh tế truyền thống.
Kinh tế số - Động lực thúc đẩy châu Á "chuyển mình" hậu COVID-19 ảnh 1Ảnh minh họa (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang có dấu hiệu tích cực với tỷ lệ mắc mới giảm dần và các nước trên toàn thế giới đang có xu hướng "chuyển mình" khỏi nền kinh tế truyền thống, châu Á đang đứng trước thời cơ thúc đẩy lĩnh vực kinh tế số, xây dựng một nền kinh tế số hội nhập hơn và thúc đẩy thương mại số cũng như một đồng tiền số chung.

Phóng viên TTXVN tại Singapore dẫn bài phân tích đăng trên trang mạng Thinkchina.sg mới đây nhận định trên thực tế, báo cáo triển vọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố hồi tháng 10/2018 cho thấy trình độ số hóa ở các nền kinh tế khác nhau của châu Á cao hơn so với các nước ở các khu vực khác.

Ngay cả những nền kinh tế tương đối nghèo hơn của châu Á cũng tiến hành chuyển đổi số với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Trong 20 năm qua, đổi mới sáng tạo số đã đóng góp khoảng 30% tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người của châu Á.

Khu vực này được kỳ vọng sẽ dẫn đầu quá trình số hóa toàn cầu và sẽ được lợi lớn từ sự tăng trưởng của các nền kinh tế số trong khu vực. Ví dụ, thương mại điện tử dường như đang nâng cao năng suất của các công ty và chuyển đổi số có thể giúp cải thiện chi tiêu có mục tiêu và hợp lý hóa các quy trình đánh thuế.

Không chỉ vậy, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD)  lưu ý rằng thương mại toàn cầu năm 2020 dự kiến thu hẹp khoảng 7-9% so với năm 2019. Các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn về thương mại số trong nội bộ châu Á sẽ giúp các nước châu Á đứng vững trước tác động của thương mại toàn cầu đang thu hẹp.

Báo cáo phát triển Internet Trung Quốc 2020 cho thấy trong năm 2019, nền kinh tế số của nước này đạt 35.800 tỷ Nhân dân tệ (NDT), chiếm 36,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đưa Trung Quốc trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về quy mô và tỷ lệ tăng trưởng.

Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 hồi tháng 12/2020 đã đề xuất một cách rõ ràng việc phát triển số hóa, thúc đẩy thành lập và phát triển lĩnh vực công nghiệp số, tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng Internet, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và thương mại điện tử, nhằm xây dựng "Con đường tơ lụa số."

Việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gần đây và hoàn tất thành công các cuộc đàm phán về Hiệp định Toàn diện về đầu tư (CAI) được cho là đem lại đà tích cực cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Hai hiệp định này bao gồm phần nội dung đáng kể về hợp tác trong nền kinh tế số, chẳng hạn như trong các lĩnh vực số hóa thương mại, thương mại điện tử xuyên biên giới và công nghệ tài chính giữa các nước tham gia ký kết.

Điều này chắc chắn sẽ giúp Trung Quốc, châu Á và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giải phóng tiềm năng tăng trưởng khổng lồ của mình trong nền kinh tế số kỷ nguyên hậu COVID-19.

ASEAN là khu vực có nhiều người trẻ với hơn một nửa dân số dưới 30 tuổi. Tại đây, điện thoại thông minh được sử dụng rộng rãi trong giới trẻ và nền kinh tế Internet đang tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc, dự kiến đạt 300 tỷ USD vào năm 2025.

Việc xây dựng nền kinh tế số là một phần then chốt trong sự phát triển chiến lược của một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Singapore và Malaysia.

Với sự phát triển của các công nghệ thông tin mới và nền kinh tế số, trong những năm gần đây Singapore  đã tích cực đi đầu trong việc thiết lập các mối quan hệ đối tác kinh tế số với các nước như Trung Quốc, New Zealand, Australia và Chile, cũng như với ASEAN.

[Chuyển đổi số: Bắt đầu từ đâu, số hóa cái gì là lựa chọn không dễ dàng]

Các hiệp định đối tác kinh tế số song phương mới được ký kết để tăng cường sự kết nối số và các hiệp định này bao gồm hợp tác về thương mại số, khả năng tương tác giữa các hệ thống số, tăng cường dòng dữ liệu xuyên biên giới, đổi mới dữ liệu và công nghệ tài chính.

Chính tầm nhìn đằng sau việc thiết lập Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN và xây dựng một mạng lưới dữ liệu mở cho ASEAN là thúc đẩy sự hợp nhất số trong kinh tế và thương mại khu vực.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, với việc công bố Kế hoạch Tổng thể kinh tế kỹ thuật số quốc gia với tên gọi “MyDigital” vào tuần trước, Tập đoàn Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEC) kỳ vọng niềm tin của nhà đầu tư sẽ được củng cố khi Malaysia đẩy nhanh chương trình nghị sự về kinh tế kỹ thuật số.

Báo cáo của Cục Thống kê Malaysia cho biết đóng góp của nền kinh tế kỹ thuật số vào GDP trong năm 2019 là 19,1% tương đương 289,2 tỷ RM (71,4 tỷ USD), được cho là đạt 20% trong năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục đóng góp đáng kể cho đất nước vào năm 2021, dựa trên dự báo tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay của Ngân hàng Thế giới.

Chính vì vậy, tháng 1 vừa qua, sau các chuyến thăm chính thức đến một số nước ASEAN gồm: Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) tuyên bố Bắc Kinh sẽ xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ hơn với ASEAN, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số, nhằm đưa quan hệ Trung Quốc - ASEAN lên tầm cao mới.

Bài phân tích trên Thinkchina.sg khẳng định trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cản trở sự phát triển của nền kinh tế truyền thống và dưới cái bóng của chủ nghĩa đơn phương, nhiều tiềm năng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế số không tiếp xúc đã xuất hiện.

Cộng với những xu hướng và điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nền kinh tế số được nêu ở trên, đã đến lúc cần nắm bắt cơ hội để xây dựng một nền kinh tế số châu Á hội nhập hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục