Kịp thời tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ DN, lao động khó khăn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các thành viên trong Tổ Công tác của UBTVQH và chuyên gia tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do dịch.
Kịp thời tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ DN, lao động khó khăn ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 8/9, Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống COVID-19 đã họp Phiên thứ hai, chuyên đề tình hình việc làm trong bối cảnh dịch COVID-19.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Tổ trưởng Tổ Công tác nhấn mạnh việc làm trong bối cảnh đại dịch là một vấn đề rất quan trọng. Đặc biệt là việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như cấp bách hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập do tác động của dịch bệnh. Đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm chỉ đạo trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các thành viên trong Tổ Công tác cùng với các chuyên gia dự phiên họp có những thảo luận, phân tích sâu, đưa ra những kiến nghị, giải pháp cụ thể, tham mưu tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để Ủy ban xem xét, có ý kiến với Chính phủ và các bộ, ngành kịp thời ban hành những chính sách hỗ trợ người lao động đang gặp khó khăn, cũng như chính sách lâu dài hỗ trợ cho doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất, vượt qua đại dịch và giai đoạn hậu đại dịch.

Tại phiên họp, Tổ Công tác đã nghe Cục trưởng Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Vũ Trọng Bình thông tin về tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động 8 tháng vừa qua của năm nay. Theo đó, về tổng thể, tác động của hai đợt bùng phát dịch COVID-19 trong 8 tháng qua đến thị trường lao động rất lớn. Đặc biệt trong tháng Bảy, tháng Tám, các thị trường lao động lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ... phải trải qua các đợt thực hiện giãn cách xã hội quy mô lớn, với các biện pháp mạnh.

[Đề xuất sửa đổi điều kiện, mở rộng đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết 68]

Mọi lao động đều bị ảnh hưởng tiêu cực, nhất là lao động ngoại tỉnh làm công ăn lương tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động khu vực phi chính thức. Sự dịch chuyển lao động trong thời gian từ cuối tháng Bảy đến nay cho thấy khả năng chịu đựng, chống lại với dịch bệnh của người lao động cũng như doanh nghiệp đặt ra nhiều vấn đề để phục hồi thị trường lao động.

Dự báo về diễn biến thị trường việc làm thời gian tới, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết nếu số ca nhiễm SARS-CoV-2 vẫn không ngừng tăng lên với số lượng lớn, thị trường lao động sẽ ngày càng phức tạp, khó phục hồi.

Trong trường hợp ngược lại, nếu dịch bệnh được kiểm soát; không có sự lây lan, bùng phát sang các địa phương trước ngày 15/9 tới; các địa phương dừng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đạt, thậm chí vượt kế hoạch tiêm chủng, dự báo số lao động bị tác động tiêu cực trong quý 3/2021 là hơn 30 triệu người.

Tuy nhiên, ông Vũ Trọng Bình lưu ý trong trường hợp này, thị trường lao động vẫn có nhu cầu tuyển dụng lớn để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở thông tin về thị trường lao động 8 tháng qua, các thành viên Tổ Công tác và các chuyên gia đã thảo luận, phân tích, đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường việc làm thời gian tới.

Kịp thời tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ DN, lao động khó khăn ảnh 2May hàng xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15; trong đó, Quốc hội đã cho phép thực hiện một số biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách, tạo cơ sở pháp lý và tăng tính chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ngày 27/8 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 285/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống COVID-19.

Tổ Công tác gồm 7 thành viên. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Tổ trưởng; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh làm Tổ phó Thường trực; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường làm Tổ phó. Các thành viên gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản.

Tổ Công tác có nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tổ Công tác còn giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc chuẩn bị các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Thực hiện các hoạt động khác theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cử đại diện tham dự các cuộc họp, các hoạt động theo đề nghị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục