Kuwait sẵn sàng tăng sản lượng dầu thô nếu thị trường cần

Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí Kuwait (KPC) cho biết nhu cầu của các khách hàng của KPC vẫn ổn định, Kuwait hiện sản xuất 18,4 triệu m3 khí mỗi ngày và có kế hoạch nâng con số này lên 1 tỷ m3.
Kuwait sẵn sàng tăng sản lượng dầu thô nếu thị trường cần ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/9, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí Kuwait (KPC), ông Sheikh Nawaf Saud al-Sabah, thông báo quốc gia vùng Vịnh đang sản xuất hơn 2,8 triệu thùng dầu mỗi ngày theo hạn ngạch của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Ông Sheikh Nawaf Saud al-Sabah cũng cho biết Kuwait có kế hoạch tăng sản lượng dầu thô bất cứ khi nào thị trường cần, nhưng hiện tại nhu cầu của các khách hàng của KPC vẫn ổn định. Kuwait hiện sản xuất 18,4 triệu m3 khí mỗi ngày và có kế hoạch nâng con số này lên 1 tỷ m3.

Cũng theo quan chức cấp cao của KPC, các thị trường khí đốt và dầu mỏ trên thế giới hiện nay vẫn chưa chắc chắn. Theo ông, vẫn có những hoài nghi về triển vọng kinh tế toàn cầu, đặc biệt khi các ngân hàng trung ương nâng lãi suất và các nền kinh tế thế giới có nguy cơ suy thoái và mức độ tác động của các yếu tố này đối với nhu cầu dầu mỏ.

Trước đó, ngày 13/9, OPEC đã giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2022 và 2023, khi viện dẫn các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế chủ chốt đang hoạt động tốt hơn dự kiến, bất chấp những "cơn gió ngược" như lạm phát ngày càng tăng. Theo đó, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ tăng 3,4 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và 2,7 triệu thùng/ngày năm 2023.

[Venezuela tuyên bố sẵn sàng cung cấp dầu khí cho thị trường toàn cầu]

Tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 32 diễn ra đầu tháng này, OPEC và các đối tác (OPEC+) đã quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô ở mức 100.000 thùng/ngày trong tháng 10 tới.

Quyết định này được đưa ra nhằm hỗ trợ giá dầu dần tuột dốc trong bối cảnh những lo ngại về nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái làm giảm nhu cầu tiêu thụ "vàng đen."

Hồi tháng Ba, giá dầu thế giới đã tiến sát ngưỡng 140 USD/thùng do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga - nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia.

Tuy nhiên, giá "vàng đen" có xu hướng giảm trước lo ngại nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc tiếp tục thực hiện phong tỏa nhiều thành phố để chống dịch COVID-19 cũng như khả năng đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ giúp Tehran khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục