Lai Châu đặt mục tiêu trồng mới 1.000ha chè chất lượng cao

Lai Châu đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ trồng mới 1.000ha, nâng diện tích chè lên 4.300ha; phấn đấu năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha; tổng sản lượng chè búp tươi đạt 33.400 tấn…
Lai Châu đặt mục tiêu trồng mới 1.000ha chè chất lượng cao ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Giai đoạn 2015-2020, Lai Châu tiếp tục mở rộng vùng chè tập trung chất lượng cao ra nhiều xã trên địa bàn các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường và thành phố Lai Châu.

Lai Châu đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ trồng mới 1.000ha, nâng diện tích chè lên 4.300ha; phấn đấu năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha; tổng sản lượng chè búp tươi đạt 33.400 tấn…

Thông tin này được đưa ra tại hội nghị tổng kết Đề án phát triển vùng chè chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011-2014 diễn ra ngày 30/7 tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.

Sau bốn năm thực hiện Đề án, tỉnh Lai Châu đã hình thành được vùng sản xuất chè tập trung chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và phân vùng nguyên liệu; tổ chức lại sản xuất ngành chè theo hướng gắn nông dân với doanh nghiệp theo hợp đồng, hợp tác kinh doanh; tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại các xã trong vùng chè...

Tại hội nghị các đại biểu đều khẳng định cây chè là cây công nghiệp có lợi thế ở Lai Châu, cần được nhân rộng và phát triển, đồng thời đây cũng là tiền đề vững chắc cho việc mở rộng quy mô, sản lượng và chất lượng chè Lai Châu.

Hiện, Lai Châu trồng chủ yếu giống chè Kim Tuyên và chè Shan. Toàn tỉnh đã trồng 3.358ha diện tích chè, trong đó trên 2.410ha là chè kinh doanh, tăng 306 ha so với năm 2010.

Năng suất trung bình đạt 85,3 tạ/ha với sản lượng đạt 20.600 tấn; diện tích trồng mới trên 385 ha, đạt 110% so với mục tiêu đề án; hơn 500 hộ trong vùng dự án được hưởng lợi và giải quyết cho trên 2.570 lao động/năm...

Các công ty chè tại địa bàn đã chủ động sản xuất giống chè tại chỗ cũng như tăng cường phối hợp với cơ sở thực hiện kỹ thuật chăm sóc và bón phân.

Tuy nhiên, thực tiễn bốn năm triển khai đề án vẫn bộc lộ nhiều điểm hạn chế nhất định. Việc mở rộng diện tích trồng tái canh đạt thấp do mất nhiều công lao động.

Mặt khác, chính sách cho trồng tái canh chỉ được hỗ trợ như trồng mới nên chưa khuyến khích người dân tham gia.

Hơn nữa, nhiều diện tích đất quy hoạch vùng chè vào diện tích đất nông nghiệp và hệ thống cơ sở hạ tầng, nội đồng tưới tiêu chưa được phát triển đồng bộ gây khó khăn trong thực hiện đề án...

Ông Lê Trọng Quảng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu, cho biết liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp chính là mối liên kết cơ bản nhất giúp cho việc phát triển bền vững cây chè thời gian tới.

Do đó, phải có một cơ chế hợp tác thông qua hợp đồng kinh tế giữa nông dân và doanh nghiệp, có sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cơ sở.

Mặt khác, việc đầu tư cho phát triển chè phải đồng bộ từ khâu giống, phân bón, trồng xen và các chính sách khác để người dân thâm canh ngay từ đầu, khắc phục tình trạng làm theo phong trào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục