Ngày 12/6, tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, nhà máy chế biến chè Ô Long Tam Đường được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động, với công suất chế biến 1.300 tấn chè tươi mỗi năm.
Đây là nhà máy chế biến chè thứ bảy được xây dựng gắn liền với vùng nguyên liệu chè trên địa bàn Lai Châu.
Trực thuộc Công ty cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường, nhà máy chế biến chè Ô Long Tam Đường được xây dựng trên diện tích 1ha, nằm trên địa bàn xã Bản Bo của huyện Tam Đường, có tổng mức đầu tư trên 13,5 tỷ đồng.
Công suất chế biến của nhà máy khi đi vào hoạt động ổn định với chè Bao Chung là 1.050 tấn chè tươi/năm, tương đương 210 tấn sản phẩm/năm; chè Ô Long 250 tấn chè tươi/năm, tương đương 50 tấn sản phẩm/năm. Chè được sản xuất và chế biến theo công nghệ hiện đại với các thiết bị máy móc nhập khẩu từ nước ngoài.
Nhà máy chế biến chè Ô Long Tam Đường hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho gần 100 lao động địa phương với thu nhập ổn định trên 40 triệu đồng/người/năm. Đồng thời, nhà máy còn tạo thu nhập ổn định cho khoảng trên 1.400 hộ dân tham gia trồng chè; khi diện tích chè đi vào sản xuất kinh doanh sẽ tạo điều kiện cho người dân thu về 60-70 triệu đồng/ha/năm…
Tại lễ khánh thành nhà máy, ông Nguyễn Khắc Chử, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu nhấn mạnh, cây chè là một trong những cây công nghiệp chủ lực và truyền thống của tỉnh Lai Châu.
Ông Chử mong rằng Công ty cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường sẽ sớm hoàn thành mọi công việc để sớm đưa nhà máy đi vào sản xuất ổn định; cho ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng để xây dựng được thương hiệu chè Ô Long thành thương hiệu có uy tín của tỉnh Lai Châu trên thị trường. Đồng thời, Công ty cần tăng cường liên doanh liên kết với nông dân thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cung ứng vật tư phân bón…
Công ty cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường đã có nhiều sản phẩm được bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như Nga, Anh, Pakistan, Đài Loan….
Nhà máy chế biến chè Ô Long sẽ góp phần xây dựng thương hiệu chè Tam Đường; đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, lao động; góp phần thay đổi căn bản tập quán sản xuất của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số tham gia trồng chè.
Tính đến cuối năm 2013, tổng diện tích chè toàn tỉnh Lai Châu đạt trên 3.300ha; sản lượng chè búp tươi đạt trên 2.000 tấn. Chất lượng sản phẩm chè của Lai Châu ngày càng được nâng cao, mẫu mã sản phẩm đa dạng phong phú, thị trường tiêu thụ được mở rộng./.