Sáng 8/11, ông Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore tại Việt Nam, cùng đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và khảo sát tiềm năng, thế mạnh, cơ hội hợp tác đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn cho biết Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, với diện tích 8.310km2, dân số trên 856.000 người, có 231,74km đường biên giới với Trung Quốc, giữ vị trí cửa ngõ quan trọng kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN, là điểm đầu trên 2 tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng (Việt Nam) và tuyến Lạng Sơn-Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, với 2 cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu song phương và 9 cửa khẩu phụ...
Với tiềm năng, thế mạnh hiện có, Lạng Sơn là điểm đến hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
[Việt Nam là một trong những thị trường hàng đầu của DN Singapore]
Những năm qua, Lạng Sơn đặc biệt chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh (PCI) của tỉnh hiện trong top 15 của cả nước, chỉ số xanh cấp tỉnh trong top 2 của cả nước. Hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật được ban hành đồng bộ, kịp thời, sát với thực tiễn. Năm 2022, tỉnh xếp thứ 6 về kết quả chuyển đổi số.
Nhờ đó, công tác thu hút đầu tư cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2021 đến nay, Lạng Sơn đã cấp giấy chứng nhận đầu tư/chủ trương đầu tư 57 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 12.300 tỷ đồng.
Một số dự án lớn đang được triển khai như: Tuyến Cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng theo hình thức BOT; Tuyến Cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng); Khu Công nghiệp VSIP và các cụm công nghiệp...
Tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp VSIP Lạng Sơn với tổng vốn đầu tư của dự án gần 275 triệu USD, trở thành dự án có quy mô đầu tư lớn nhất được thực hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ trước đến nay; đồng thời là dự án hợp tác đầu tư đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn của một doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Singapore.
Hiện dự án này đã cơ bản thực hiện xong các thủ tục về đầu tư, quy hoạch xây dựng, phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng, khởi công xây dựng công trình và đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 1 của dự án với quy mô 200 ha trước ngày 30/9/2025.
Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn mong muốn Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn và Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam duy trì trao đổi thường xuyên để triển khai, thúc đẩy Dự án Khu Công nghiệp VSIP Lạng Sơn bảo đảm đạt tiến độ và hiệu quả cao; khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp của Singapore; kêu gọi doanh nghiệp của Singapore có thế mạnh về đầu tư hạ tầng, chuỗi cung ứng và dịch vụ hậu cần (logistics), kinh tế xanh, chế biến nông sản... đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.
Tại buổi làm việc, ông Jaya Ratnam đã nêu bật những thành quả trong mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Singapore. Tính đến tháng 6/2023, Singapore giữ vị trí dẫn đầu ASEAN, đứng thứ 2 trên 143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 3.200 dự án, vốn đầu tư 73,4 tỷ USD, tại 51/63 tỉnh, thành phố. Mô hình khu công nghiệp kiểu mẫu VSIP đã khá thành công, đi vào hoạt động ở các địa phương với tỷ lệ lấp đầy cao 83%, thu hút 18,7 tỷ USD và trên 300.000 lao động.
Ông Jaya Ratnam chia sẻ đoàn công tác cũng như các doanh nghiệp Singapore vui mừng khi được biết không chỉ có tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế cửa khẩu, Lạng Sơn còn có lực lượng lao động trẻ, dồi dào với số người trong độ tuổi lao động chiếm tới hơn 60% dân số toàn tỉnh. Đây là những yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp quyết định đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Ông Jaya Ratnam cho hay để việc hợp tác kịp thời, hiệu quả, dự kiến vào đầu năm 2024, Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore sẽ thành lập đoàn công tác đến Lạng Sơn tìm hiểu cơ chế chính sách thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp Singapore khi đầu tư vào địa bàn./.