Lãnh đạo châu Phi thảo luận các cuộc xung đột trong châu lục

Các nhà lãnh đạo châu Phi đã tới Ethiopia tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi với nội dung chính về tình hình Nam Sudan và CH Trung Phi.

Ngày 30/1, các nhà lãnh đạo các nước châu Phi đã tới Ethiopia tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi.

Chủ đề chính thức của hội nghị kéo dài hai ngày này là nông nghiệp và an ninh lương thực, song 54 nước thành viên liên minh dành phần lớn thời gian bàn thảo về các giải pháp chấm dứt nhiều xung đột trong châu lục, đặc biệt là ở Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch AU Nkosazana-Dlamini Zuma bày tỏ sự cảm thông đối với người dân Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan, hai nước thành viên hiện đang chìm trong khủng hoảng chính trị sâu sắc.

Trong bối cảnh đó, bà Zuma khẳng định AU cần tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo xây dựng hoà bình lâu dài.

Trước đó, tại cuộc họp cấp bộ trưởng ngày 27/1 vừa qua, Ngoại trưởng Ethiopia Tedros Adhanom nhận định các cuộc khủng hoảng nhân đạo liên quan tới xung đột vũ trang tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi là một bài toán nan giải đối với AU.

Theo ông, tình hình ở hai nước trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoà bình và an ninh của khu vực và cả châu lục nếu AU không sớm tìm được giải pháp.

Ngoài ra, trong khuôn khổ hội nghị, các nhà lãnh đạo châu Phi sẽ thảo luận "Chương trình nghị sự 2063," bao gồm những đường lối phát triển của EU trong 60 năm tới.

Tại lễ khai mạc, Tổng thống Mauritania Mohamed Ould Abdel Aziz đã chính thức tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên AU từ Ethiopia. Dự kiến sau hội nghị chính thức, nhà lãnh đạo châu Phi và giới ngoại giao phương Tây sẽ tiến hành hội đàm nhằm gây quỹ cho Phái bộ Hỗ trợ quốc tế cho Cộng hòa Trung Phi (MISCA).

Cộng hòa Trung Phi rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng kể từ khi Tổng thống Francois Bozize bị lực lượng nổi dậy Seleka lật đổ hồi tháng Ba năm ngoái và ông Michel Djotodia lên làm Tổng thống lâm thời.

Mặc dù đã chính thức giải tán quân nổi dậy, song ông Djotadia vẫn không thể ngăn chặn các vụ bạo loạn do nhóm này gây ra. Gần 1 triệu người, tương đương 1/5 dân số, đã phải đi lánh nạn. Tính riêng trong tháng 12 năm ngoái, bạo lực đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người.

Trong khi đó, b ạo lực bùng phát tại Nam Sudan từ trung tuần tháng 12 năm ngoái sau khi chính phủ của Tổng thống Salva Kiir cáo buộc các binh sỹ trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu tiến hành đảo chính. Xung đột đã nhanh chóng lan rộng tới 10 bang của Nam Sudan.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, giao tranh đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và buộc 43.000 người phải sang tỵ nạn ở Uganda, Ethiopia và Kenya./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục