Ngày 11/9, lãnh đạo Đức và Nga đã thảo luận về tình hình Bán đảo Triều Tiên, cùng lên án mạnh mẽ việc Bình Nhưỡng không tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trong một tuyên bố, Điện Kremlin cho biết cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhấn mạnh rằng những động thái của Bình Nhưỡng đi ngược lại các nguyên tắc phi hạt nhân toàn cầu, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho hòa bình và an ninh khu vực.
Cuộc điện đàm cũng đã nhận định việc giải quyết cuộc khủng hoảng sâu sắc này có thể thực hiện được thông qua những công cụ chính trị và ngoại giao, thông qua việc tái khởi động các cuộc đàm phán giữa tất cả các bên liên quan.
[Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên]
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục thảo luận về cuộc khủng hoảng này thông qua các ngoại trưởng.
Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Đức cũng cho biết hai bên nhất trí rằng cuộc xung đột về vấn đề trang bị vũ khí hạt nhân của Triều Tiên phải được giải quyết một cách hòa bình.
Ngoài ra, bà Merkel cũng tuyên bố ủng hộ các nỗ lực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong việc nhanh chóng thông qua tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên nhằm buộc Bình Nhưỡng thay đổi cách hành xử.
Ngoài vấn đề Triều Tiên, thảo luận về cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, Thủ tướng Đức cũng hoan nghênh đề xuất của Nga về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine song cũng nhấn mạnh rằng thời gian của sứ mệnh cần phải được kéo dài hơn nữa.
Trong khi đó, Tổng thống Putin cũng để ngỏ sẵn lòng cân nhắc đề xuất triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình không chỉ ở tuyến tiếp xúc ở khu vực Donbass mà còn ở các khu vực khác ở miền Đông Ukraine để bảo vệ các quan chức của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đang làm nhiệm vụ giám sát thỏa thuận hòa bình Minsk.
Đánh giá cao những ý tưởng của bà Merkel, nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết sẽ thêm các chức năng mới cho sứ mệnh này của Liên hợp quốc trong bản dự thảo nghị quyết Liên hợp quốc về Ukraine./.