Lãnh đạo tài chính các nước tìm cách thúc đẩy kinh tế thế giới

Các bộ trưởng tài chính và giới lãnh đạo các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ thảo luận về những biện pháp cấp thiết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng trên thế giới.
Lãnh đạo tài chính các nước tìm cách thúc đẩy kinh tế thế giới ảnh 1Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. (Nguồn: THX/TTXVN)

Những quan ngại về tình trạng giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, kịch bản Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) (còn gọi là Brexit) và vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” gây chấn động thế giới được dự đoán sẽ là những chủ đề nóng tại Hội nghị thường niên mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)-Ngân hàng Thế giới (WB), khai mạc vào ngày 14/4 tại thủ đô Washington của Mỹ.

Tại cuộc gặp, các bộ trưởng tài chính và giới lãnh đạo các ngân hàng trung ương đến từ 189 nước thành viên dự kiến sẽ thảo luận về những biện pháp cấp thiết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng trên thế giới, trong bối cảnh những nguy cơ đe dọa nền kinh tế toàn cầu vẫn đang hiện hữu.

Hiện ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới tìm kiếm viện trợ từ IMF và WB. Hồi tuần trước, Angola - quốc gia chịu tác động nặng nề của tình trạng giá dầu lao dốc - đã yêu cầu IMF cung cấp một gói viện trợ có thời hạn trong ba năm.

Do đó, tại hội nghị lần này, các nước thành viên IMF và WB sẽ cần vạch ra kế hoạch hành động cụ thể nhằm đảo ngược xu thế suy thoái, theo đó các nước giàu cần đẩy mạnh chi tiêu và đầu tin vào cơ sở hạ tầng; trong khi các nước khác cần tiến hành tái cơ cấu và cải cách theo hướng thúc đẩy các hoạt động kinh tế.

Trong trường hợp không có sự đồng thuận về một nỗ lực tập thể, giới chức các nước nhiều khả năng sẽ tìm kiếm một kế hoạch B cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện Đức - quốc gia luôn bị thúc ép đẩy mạnh chi tiêu - muốn thấy những biện pháp cải cách được các nước khác triển khai.

Trong khi đó, Mỹ - nền kinh tế đầu tàu thế giới - lại muốn những nước khác thể hiện trách nhiệm hơn trong thúc đẩy kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, những rủi ro về chính trị và tài chính kéo dài tại nhiều nước trên thế giới và những thiệt hại của kịch bản Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) dự kiến cũng sẽ được giới chức các nước đưa ra bàn thảo tại Hội nghị mùa Xuân IMF-WB lần này.

Hội nghị cũng sẽ đề cập đến vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” hiện đang là tâm điểm của sự chú ý trên thế giới khi nó hé lộ về một vụ tham nhũng toàn cầu, cũng như những bí mật của giới nhà giàu.

Giới chức IMF gọi đây là hành động “không thế chấp nhận được” của những nhân vật giàu có trong bối cảnh tại nhiều nơi trên thế giới, người dân được yêu cầu phải đóng góp nhiều hơn vào hệ thống tài chính công.

Trước đó, trong báo cáo "Triển vọng Kinh tế thế giới," IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2016 xuống còn 3,2% và đây là quý thứ ba liên tiếp thể chế tài chính này hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu.

IMF nhận định nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng mong manh và rất dễ rơi vào suy thoái.

Theo đó, những rủi ro về chính trị và tài chính kéo dài, cuộc nội chiến tại Syria, thị trường tài chính bất ổn, tình trạng biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến kinh tế thế giới chưa thoát khỏi giai đoạn chậm phát triển kéo dài.

IMF kêu gọi các cường quốc thế giới cần phải hành động ngay tức thì để bứt khỏi tình trạng trì trệ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục