Các chỉ số kinh tế cho thấy tốc độ tăng trưởng tại các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang chững lại, với dự báo triển vọng kinh tế sẽ tiếp tục xấu đi tại Mỹ và Anh, trong khi nền kinh tế Đức cũng mất đà tăng trưởng.
Đây là kết quả báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố dựa vào việc phân tích các chỉ số kinh tế hàng tháng.
Theo OECD, các chỉ số tích lũy chính (CLI) tiếp tục cho thấy sự giảm tốc của tăng trưởng kinh tế tại Mỹ, Anh và Nhật Bản, đồng thời dự báo Đức và Italy sẽ rơi phải tình trạng tương tự. Bên cạnh đó, OECD ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Ấn Độ và Pháp tiếp đà ổn định, còn Trung Quốc và Canada đã xuất hiện dấu hiệu ổn định trở lại.
OECD cho biết các chỉ số tăng trưởng đã giảm nhẹ xuống còn 99,6 điểm trong tháng 2 từ mức 99,7 điểm đối với tháng trước đó. Đối với các quốc gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), các chỉ số vẫn ở mức 100,5 điểm, cụ thể Pháp đạt mức 100,9 điểm, Italy dao động từ 100,7-100,8 điểm.
Báo cáo của OECD cũng chỉ rõ chỉ số tăng trưởng một loạt nền kinh tế chủ chốt đều có xu hướng "đi xuống" như nền kinh tế "đầu tàu" Mỹ đã giảm từ 99,0 điểm còn 98,9 điểm, Đức giảm từ 99,8 điểm xuống 99,7 điểm, "xứ sở sương mù" cũng giảm từ 99,2 điểm còn 99,1 điểm.
Đáng chú ý, chỉ số tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn giữ nguyên mức 98,4 điểm so với tháng trước, Brazil vẫn ở mức 97,7 điểm, trong khi Nga ổn định ở mức 98,2 điểm.
Trước đó, vào ngày 26/2, OECD đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới nhanh chóng cải cách, tạo điều kiện cho kinh tế thế giới lấy lại đà tăng trưởng.
OECD cho rằng trong ngắn hạn triển vọng kinh tế thế giới vẫn ảm đạm vì vậy tái cơ cấu nền kinh tế kết hợp với các chính sách kích cầu vẫn là biện pháp cần thiết./.