Những chuyến bay cuối cùng đã hoàn thành nhiệm vụ giải cứu lao động Việt Nam mắc kẹt tại Libya trở về. Với mỗi gia đình có người lao động trong số này là những giọt nước mắt vỡ òa trong niềm vui vô bờ khi thấy người thân trở về an toàn. Nhưng trong niềm vui đó vẫn còn rất nhiều nỗi lo, nhất là những khoản nợ còn đè nặng trên vai sau hành trình từ miền đất dữ trở về. Đó là thực tế của nhiều lao động Việt Nam làm việc ở Libya phải về nước sớm vì 90% trong số này là lao động nghèo ở nông thôn, phải vay tiền làm chi phí đi xuất khẩu lao động Những người đã trở về đoàn tụ với gia đình đã bắt đầu lo toan. Cuộc sống của họ đang bị xáo trộn nghiêm trọng và sẽ có nhiều gia đình phải lâm vào cảnh nợ nần bởi họ phải thanh toán món nợ vay để đi xuất khẩu lao động. Anh Lý Seo Sáng, dân tộc Mông (huyện Simacai, tỉnh Lào Cai), một trong số 181 lao động đầu tiên từ Libya về nước cùng với em trai là Lý Seo Trang phải đối mặt với khó khăn. Hai anh em mới sang Libya làm việc được 2 tháng thì phải về nước do tình hình bất ổn ở nước này. Anh Lý Seo Sáng tâm sự: “Chủ sử dụng lao động mới trả được một tháng lương, còn tháng lương này không biết có được trả hay không. Được về nước mừng lắm nhưng lại rất lo, không biết lấy gì để trả tiền vay ngân hàng. Trước khi đi, hai anh em tôi vay hết thảy 40 triệu đồng”. Khuôn mặt bác Nguyễn Sỹ Quân, ở xóm Đoàn Kết, Xã Quyết Thắng, Hải Dương luôn nở nụ cười tươi rói khi ngồi trò chuyện với mọi người về người con trai Nguyễn Văn Quận, sinh năm 1981 vừa trở về nhà từ miền đất dữ. Nhưng khi nhắc đến khoản nợ gần 50 triệu đồng vay mượn cho con đi xuất khẩu lao động, khuôn mặt bà không giấu vẻ buồn rầu, lo lắng. Quận đi xuất khẩu lao động sang Libya cuối năm 2010. Sau gần 5 tháng làm xây dựng ở đây, Quận đã tiết kiệm được ít tiền định gửi về cho mẹ trả nợ ngân hàng thì lại xảy ra cơn bạo loạn. “Từ ngày xảy ra bạo loạn, công ty nghỉ việc, bọn em nằm lánh nạn trong phòng, tiền nong và những cái gì có giá trị đều mất hết. May mắn hơn những người khác là em đã về nước an toàn. Còn về đến nhà, trong người không có nổi một xu dính túi,” Quận bần thấn. Quận cũng sốt ruột đợi chờ khoản tiền hỗ trợ thanh lý hợp đồng của doanh nghiệp để có thể tìm việc làm mới: “Khi về nước vẫn chưa biết mình sẽ đượ̣c đền bù, hỗ trợ cụ thể là bao nhiêu. Chúng em vẫn đang mong ngóng chờ xem Công ty giải quyết đền bù bao nhiêu tiền. Gia đình em đã phải vay nợ ngân hàng, con lại còn bé chỉ mong sao công ty sẽ hỗ trợ thỏa đáng." Đôi mắt rớm nước mắt đỏ hỏe, bác Quân giọng buồn buồn nói: “Khi con chưa về thì đêm nằm không ngủ được vì lo cho con. Giờ con về rồi tôi vui nhưng mở mắt ra, nghĩ đến mấy chục triệu tiền vay ngân hàng cho con đi xuất khẩu lao động tôi đứng ngồi không yên. Biết lấy tiền đâu mà trả nợ ngân hàng đây.” Trong ngôi nhà ba gian lớp mái gianh, đồ đạc chỉ có chiếc bàn uống nước cùng chiếc tivi là tài sản quý giá nhất. Bế đứa cháu nội được 6 tháng, bác Quân kể lại việc dồn vốn cho con đi xuất khẩu lao động. Trước khi đi, Quận không có nghề làm thêm, sống nhờ vào mấy sào ruộng, anh mới lấy vợ và có con nên gia đình đã bàn nhau dồn hết vốn liếng, vay hơn 40 triệu đồng để lo cho Quận đi nước ngoài với hy vọng kiếm được ít tiền giúp đỡ gia đình, kiếm ít vốn sau này cho đỡ khổ. “Giờ làm gì có hy vọng ấy nữa, đến cái thân nó cũng chưa lo được thì nói chi đến sướng khổ, trả nợ trả nần,” bác Quân ngậm ngùi. Gặp anh Nguyễn Văn Hải, Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An ở sảnh sân bay Nội Bài với hành lý chỉ vỏn vẹn có chiếc balô cũ kỹ cùng chiếc mũ mềm đội đầu, quần áo xộc xệch sau hành trình dài về nước. Anh Hải kể rằng, gia đình anh thuộc diện nghèo, sau khi vay tiền ngân hàng để làm hợp đồng lao động xuất khẩu sang Libya thì được Công ty Vinaconex Mec đưa sang làm việc 2 tháng, Anh Hải chia sẻ: “Ban đầu cũng có gửi chút ít tiền về nhà. Cứ nghĩ sau 3 năm làm việc, khi về mình sẽ có tiền để sửa sang nhà cửa, mở một cơ sở gì đó để làm ăn, chứ có ngờ đâu, Giờ không biết phải xoay xở như thế nào với số nợ vay ngân hàng trước khi đi.” Đưa ánh mắt xa xăm, anh Hải cho chúng tôi biết những dự định sau khi đợi thanh lý hợp đồng: “Sau khi về tôi sẽ phải tìm tạm việc làm để sống qua ngày. Quả thực tình trạng của tôi đang vô cùng bế tắc. Bên phía Công ty Vinaconex Mex chỉ hứa là sẽ bồi thường cho người lao động chúng tôi theo đúng pháp luật. Tôi cũng không hiểu rõ là mình sẽ được nhận bao nhiêu.” “Thậm chí bây giờ tình hình Lybia ổn định trở lại tôi cũng sẽ xin trở lại làm việc để mà trả nợ,” anh Hải nhấn mạnh. Trong số những lao động đã về nước, Châu Văn Trọng (Diễn Châu, Nghệ An) có lẽ là người có hoàn cảnh đáng thương nhất. Ngày em đi xuất khẩu cũng chính là lúc đợt lũ thứ hai tràn về. Cả căn nhà tuềnh toàng ngập đến ngang ngực. Nhưng, hạn bay đã đến, em vẫn phải gạt nước mắt để đi. “Vậy mà, sang chưa được lâu, thu vẫn chưa đủ trả nợ thì đã phải về. Giờ ở nhà cũng rất khó khăn, thêm em về nữa chẳng biết sẽ sống thế nào,” Trọng tâm sự. Theo Trọng, nhiều anh em trong công ty em đã quyết định sẽ ở lại Hà Nội, đến khi hợp đồng được giải quyết thì mới về quê. Trước mắt, số lao động về nước sẽ được Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội và các doanh nghiệp hỗ trợ phần nào. Nhưng với số tiền ít ỏi (Bộ hỗ trợ 1 triệu đồng, doanh nghiệp hỗ trợ 1 triệu đồng) không thấm vào đâu so với món nợ họ phải đối mặt. Về lâu dài, người lao động nghèo như họ vẫn nặng gánh nỗi lo./.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho biết, Bộ đã giao cho Cục Quản lý lao động ngoài nước khẩn trương làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, lên phương án hỗ trợ số lao động vừa từ Lybia trở về. Theo ông Hòa, chậm nhất là đầu tuần sau sẽ có phương án hỗ trợ cụ thể. |
Hùng Bách (Vietnam+)