Lập danh sách chính thức ứng cử đại biểu QH, HĐND

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các địa phương đã tổ chức hiệp thương lần 3 thống nhất lập danh sách chính thức ứng cử ĐBQH, HĐND.
Ngày 14/4, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba thỏa thuận và thống nhất lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016.

Tại Phú Thọ, các đại biểu đã thống nhất danh sách 8 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII (chưa tính 3 người do Trung ương giới thiệu) và 119 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XVII (nhiệm kỳ 2011-2016).

Sau khi hiệp thương lần thứ hai, việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân các cấp được tiến hành dân chủ, đúng luật, với 100% cử tri nơi cư trú tín nhiệm giới thiệu các đại biểu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XVII (nhiệm kỳ 2011-2016).

Số đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Phú Thọ được bầu là 7; đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 là 77 đại biểu.

Phú Yên giới thiệu 8 người đang công tác và cư trú tại địa phương ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Các ứng viên nói trên đều có trình độ đại học trở lên và đã được cử tri nơi cư trú tín nhiệm 100%. Trong số này, có 3 ứng viên nữ chiếm 37,5% và 2 ứng viên trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) chiếm 25%.

Như vậy, sau hiệp thương lần thứ ba, tất cả 8 ứng viên nói trên cùng với 2 đại biểu được Trung ương giới thiệu sẽ tiến hành vận động bầu cử trên địa bàn tỉnh theo luật định.

Trước đó, Ủy ban bầu cử tỉnh Phú Yên đã thống nhất địa điểm làm việc của Ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII với 2 đơn vị bầu cử đặt tại huyện Tây Hòa và huyện Tuy An. Tổng số cử tri trên toàn tỉnh Phú Yên đến thời điểm hiện nay là 642.713 người, trong đó nữ là 326.593 người.

Tỉnh Vĩnh Long lập danh sách chính thức 8 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và 76 người ra ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, không có người tự ứng cử ở cả 2 cấp. Trong số 8 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh Vĩnh Long do Hội nghị hiệp thương lần 3 thỏa thuận lập danh sách chính thức có 5 nữ (chiếm 62,5%); 7 người có trình độ từ đại học trở lên, 3 là người ngoài đảng và 1 tái cử. Như vậy, Vĩnh Long có 10 ứng cử viên đại biểu Quốc hội, trong đó có 2 người của Trung ương giới thiệu và tỉnh giới thiệu 8 người để bầu 6 đại biểu.

Về đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, trong số 76 người được Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 thỏa thuận lập danh sách chính thức có 27 nữ (chiếm 35,52%); 11 trẻ (14,47%); 8 người ngoài đảng (10,52%); có 5 đại biểu của các tổ chức: Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao đài Tiên thiên, Công giáo và 2 đại biểu là người dân tộc Khmer, người Hoa.

Tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hòa Bình thông báo tình hình và kết quả lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, 10/10 người ứng cử đều được cử tri tín nhiệm, đạt 100%.

Tuy nhiên do có hai người xin rút không tham gia ứng cử với lý do không đủ năng lực và điều kiện thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người đại biểu dân cử; do vậy đại diện các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã bỏ phiếu kín thống nhất thông qua danh sách chính thức 8 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII (chưa kể hai ứng cử viên do Trung ương giới thiệu) để bầu 6 đại biểu. Trong đó có 3 nữ, 3 người ngoài đảng, 5 người dân tộc thiểu số, 2 thanh niên và 1 người tái cử.

Đại diện các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hoà Bình cũng đã bỏ phiếu kín lựa chọn 88/118 ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 để bầu 60 đại biểu. Cơ cấu ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh là nữ 30,68%, người ngoài đảng 7,95%, tôn giáo 3,41%, tuổi thấp nhất 27 và cao nhất 58 tuổi.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sóc Trăng thống nhất giới thiệu 10 ứng cử viên của tỉnh để bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII, nhiệm kỳ 2011-2016; trong đó có 4 ứng cử viên trẻ tuổi, chiếm 40%; ứng cử viên người dân tộc chiếm 30%; ứng cử viên nữ chiếm 70%; người ngoài đảng chiếm 30% và ứng cử viên là người thuộc các tôn giáo chiếm 10%.

Như vậy, so với danh sách hiệp thương lần 2, số ứng cử viên tại kỳ hiệp thương lần 3 đã giảm 1 người do xin rút vì hoàn cảnh gia đình. Ngoài 10 ứng cử viên đại biểu Quốc hội của tỉnh, Trung ương cũng sẽ phân bổ về tỉnh 3 ứng cử viên, nâng tổng số 13 ứng cử viên để bầu 7 đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ tới.

Ở cấp Hội đồng Nhân dân tỉnh, Hội nghị cũng đã thống nhất biểu quyết danh sách 77 ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh (giảm 12 ứng cử viên so với kỳ hiệp thương trước) để bầu 55 đại biểu chính thức. Trong đó tỷ lệ trẻ tuổi dưới 35 có 15,59%, ứng cử viên là người dân tộc chiếm 25,06%, nữ chiếm 33,76%, tôn giáo chiếm 3,89% và người ngoài đảng chiếm 10,28%.

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII của Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua danh sách cuối cùng 41 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Như vậy, cùng với 11 người do Trung ương giới thiệu về ứng cử, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 52 ứng cử viên để bầu ra 30 đại biểu Quốc hội khóa XIII tại 10 đơn vị bầu cử.

Trong số 41 người được hội nghị hiệp thương lần thứ ba thông qua có 37 người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu và 4 người tự ứng cử. Có 12 ứng cử viên nữ (29,2%), 3 ứng cử viên trẻ (7,3%), người dân tộc là 2 (Hoa, Chăm, 4,8%), tôn giáo 3 (7,3%), có 9 người ngoài Đảng (22%), 8 đại biểu tái cử (19,5%). Có 20 người trình độ trên đại học (48,7%) và 21 người trình độ đại học (51,3%). Ứng cử viên nhiều tuổi nhất sinh năm 1942 và trẻ nhất sinh năm 1977.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hải Phòng đã chốt danh sách 12 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và 95 người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố khóa XIV, nhiệm kỳ 2011-2015 trong hội nghị hiệp thương lần thứ ba.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba, thông qua danh sách chính thức 8 người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Trước đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tiến hành biểu quyết cho 2 người rút khỏi danh sách ứng cử. Theo phân bổ về cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của tỉnh Ninh Bình là 6 người, trong đó có 2 người do Trung ương giới thiệu.

Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, thống nhất đề cử 8 người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII trong đó, có 1 người tuổi dưới 35, 2 nữ, 100% là người dân tộc; 92% có trình độ đại học, trên đại học; 12% có trình độ cao đẳng.

Hội nghị cũng thống nhất đề cử 84 người tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2011-2016. Những người tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XVI, có tuổi trung bình là 45; trong đó tỷ lệ nữ chiếm 34%; người dân tộc thiểu số chiếm 77,3%; tỷ lệ tuổi trẻ dưới 35 tuổi chiếm 21,4%; người ngoài đảng chiếm 8,3%; số đại biểu tái cử chiếm 20,2%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục