Lễ hội Cầu mưa ở Hưng Yên - Di sản đặc sắc của cư dân trồng lúa nước

Lễ hội Cầu mưa còn gọi là Lễ hội Tứ Pháp ở xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên - Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia - thể hiện ước muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Nghi lễ rước các vị Tứ Pháp trong Lễ hội Cầu mưa. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)
Nghi lễ rước các vị Tứ Pháp trong Lễ hội Cầu mưa. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)

Lễ hội Cầu mưa (còn gọi là Lễ hội Tứ Pháp) ở xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, gắn liền với tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, thể hiện ước muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Lễ hội Cầu mưa được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia tại Quyết định số 68/QĐ-BVHTTDL ngày 12/1/2022.

Truyền thuyết về Tứ Pháp tại xã Lạc Hồng ngày nay cơ bản có nội dung theo giống truyền thuyết Tứ Pháp ở vùng Dâu ở Bắc Ninh.

Ngoài ra, còn có dị bản về việc người vùng dâu chặt cành lớn của cây Dung Thụ làm bốn đoạn đem bán. Người tổng Thái Lạc mua được ba đoạn, chờ buổi chiều mua nốt đoạn còn lại. Buổi trưa, mọi người thử đòn nào ngờ cả đòn khiêng và khúc gỗ vụt bay theo đoàn người đi trước. Thấy vậy, người dân đuổi theo đòi lại. Nhưng đoàn người đuổi theo đến đâu thì trời đổ mưa tới đó nên người vùng Dâu để cho người tổng Thái Lạc mang về.

ttxvn-le-hoi-cau-mua-2-4759.jpg
Biểu diễn trống hội trong Lễ hội Cầu mưa năm 2023 ở Hưng Yên. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)

Người dân Thái Lạc đã thuê ông Đào Khảm và Đào Lượng lấy bốn đoạn cành dâu tạc thành bốn pho tượng mẫu nhỏ. Ban ngày, các ông tạc tượng tại chùa Thái Lạc, ban đêm lại về ngủ tại chùa Un (nay thuộc xã Đình Dù, huyện Văn Lâm), do vậy, trong lễ hội xưa khi rước bốn bà đi tuần du quanh tổng bao giờ cũng phải ngự tại chùa Un một đêm.

Đến thời Mạc, dựa vào mẫu tượng này, dân làng dùng gỗ mít tạc thành bốn pho tượng Tứ Pháp còn thờ đến ngày nay.

Tượng Pháp Vân thờ ở chùa Thái Lạc (Pháp Vân tự), tượng Pháp Vũ thờ ở chùa Hồng Cầu (Pháp Vũ tự), tượng Pháp Lôi thờ ở chùa Nhạc Miếu (Pháp Lôi tự), tượng Pháp Điện thờ ở chùa Phạm Thái (Pháp Điện thiền tự).

Trong dân gian vẫn gọi bốn bà lần lượt là bà Cả, bà Quê, bà Huế và bà Tông. Vào những năm hạn hán kéo dài dân các làng thuộc tổng Thái Lạc xưa lại tiến hành làm lễ cầu đảo và rước Tứ Pháp cộng đồng để cầu cho mưa xuống, mùa màng tươi tốt.

Lễ hội Cầu mưa xưa kia được diễn ra trong phạm vi rộng lớn bao gồm cả tổng Thái Lạc. Thời gian tổ chức lễ hội không cố định theo chu kỳ mà chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội.

Theo Cục Di sản Văn hóa, Lễ hội Cầu mưa xã Lạc Hồng được tổ chức đến năm 1943 thì bị gián đoạn do chiến tranh và nhiều nguyên nhân khác, đến năm 2005, được khôi phục theo đúng trình tự, nghi thức xưa.

Tuy nhiên, sau khi được khôi phục lễ hội diễn ra chủ yếu tại các ngôi chùa thờ Tứ Pháp thuộc địa bàn xã Lạc Hồng, trung tâm là chùa Thái Lạc (Pháp Vân tự), tổ chức từ ngày mùng 6 đến mồng 8 tháng Ba (Âm lịch) hằng năm. Trong lễ hội có tổ chức rước kiệu Tứ Pháp cùng các trò chơi dân gian.

Lễ hội Cầu mưa cùng với tín ngưỡng thờ Tứ Pháp ở vùng châu thổ sông Hồng phản ánh quá trình du nhập, phát triển của Phật giáo vào Việt Nam và quá trình khai phá vùng đất này.

Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp từ vùng Luy Lâu, Bắc Ninh đã lan tỏa ra các vùng phụ cận, trong đó có Hưng Yên. Lễ hội Cầu mưa là một bằng chứng phản ánh sự dung hòa giữa việc thờ Phật với việc tôn thờ các vị Thần bảo hộ các cộng đồng làng xã trong vùng.

ttxvn-le-hoi-cau-mua-3-1996.jpg
Lễ hội với nhiều nghi thức cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)

Lễ hội cũng phần nào phản ánh tập quán sử dụng nước của cư dân trong sản xuất nông nghiệp, dẫn thủy nhập điền. Thông qua các nghi lễ, nghi thức và các trò diễn xướng trong lễ hội, con người muốn tái hiện lại lịch sử, xã hội, cội nguồn của tự nhiên và con người.

Lễ hội cầu mưa góp phần cân bằng đời sống tâm linh, đáp ứng nhu cầu tinh thần của cá nhân, cộng đồng; bảo lưu và trao truyền các giá trị văn hóa của cộng đồng từ thế hệ này sang thế hệ khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục