Lễ hội thưởng trà hữu cơ Phìn Hồ nơi cực Bắc Tổ quốc

Đêm hội thưởng trà quy hội tụ đầy đủ các sản phẩm chè thương hiệu của hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ và các sản phẩm mang thương hiệu của huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang.
Lễ hội thưởng trà hữu cơ Phìn Hồ nơi cực Bắc Tổ quốc ảnh 1Các cô gái dân tộc Dao huyện Hoàng Su Phì biểu diễn nghệ thuật pha trà. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)

Tối 7/1 tại Quảng trường 26/3 thành phố Hà Giang đã diễn ra đêm hội thưởng trà hữu cơ-organic.

Đêm hội thưởng trà quy hội tụ đầy đủ các sản phẩm chè thương hiệu của hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ và các sản phẩm mang thương hiệu của huyện Hoàng Su Phì - một huyện vùng cao núi đất phía Tây tỉnh Hà Giang.

Theo ông Triệu Sơn An, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Su Phì: Từ nhiều thế kỷ qua, trà được biết đến là thức uống có giá trị cho sức khỏe con người và được sử dụng phổ biến trên thế giới.

Cây chè và các sản phẩm từ chè không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà con mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Hoàng Su Phì nói riêng là một trong những huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh trà.

Hiện nay ở Hà Giang đã hình thành nhiều vùng sản xuất chè tập trung gắn với công nghiệp chế biến các sản phẩm trà và được đông đảo người tiêu dùng biết đến về chất lượng, đảm bảo an toàn và có lợi cho sức khỏe.

Lễ hội thưởng trà hữu cơ Phìn Hồ nơi cực Bắc Tổ quốc ảnh 2Du khách thưởng thức chè tại đêm hội. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)

Hiện nay các sản phẩm chè của huyện Hoàng Su Phì đang có mặt trên thị trường như Fin hò trà, trà Cổng trời, trà Túng Sán, Hồ Thầu, trà Chiến Hào, trà Tây Côn Lĩnh... đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng và sử dụng.

Hà Giang là tỉnh có diện tích chè lớn thứ ba cả nước, chỉ sau Lâm Đồng và Thái Nguyên. Tính đến cuối năm 2016 toàn tỉnh có 20.239,8 ha, trong đó có 16.004,9 ha cho thu hoạch.

Diện tích chè tập trung chủ yếu ở 5 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần.

Chỉ tính riêng năm 2016, sản lượng chè búp tươi của tỉnh ước đạt 72.452 tấn, tăng 5,1% so với năm 2015.

Sản phẩm chè Hà Giang là một trong những sản phẩm có thương hiệu nằm trong quy hoạch chè cả nước. Hà Giang là tỉnh có khí hậu, đất đai phù hợp với điều kiện sinh trưởng phát triển của cây chè.

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhiều năm qua Hà Giang đã nhận ra thế mạnh của cây chè, đã chủ động đề ra các cơ chế chính sách thiết thực đối với vùng chè.

Nhiều cơ chế chính sách của tỉnh đã thực sự góp phần tạo dựng nên thương hiệu chè Hà Giang, cây chè đã thực sự trở thành cây xóa đói giảm nghèo đối với nhiều huyện vùng cao của tỉnh.

Đêm hội thưởng trà hữu cơ này còn là bước khởi đầu đưa ngành chè của huyện Hoàng Su Phì-Hà Giang chuyển mình sang hướng đi mới và là tiền đề để các doanh nghiệp, các hợp tác xã, cùng như đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia vào việc sản xuất, chế biến chè.

Đây là đêm hội thưởng trà hữu cơ lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Giang, là hoạt động văn hóa thiết thực nhằm tôn vinh cây chè, người trồng, chế biến và xây dựng, quảng bá thương hiệu các sản phẩm chè.

Đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của chè Hoàng Su Phì nói riêng và sản phẩm chè của tỉnh Hà Giang nói chung.

Đến với đêm hội thưởng trà hữu cơ, du khách đã được thưởng thức quy trình pha trà, thưởng thức những tách trà mang hương thơm ngào ngạt từ tinh hoa của trời đất; được đắm mình trong các điệu múa của các chàng trai, cô gái dân tộc Dao huyện Hoàng Su Phì.

Lễ hội thưởng trà hữu cơ Phìn Hồ nơi cực Bắc Tổ quốc ảnh 3Các cô gái dân tộc Dao huyện Hoàng Su Phì biểu diễn nghệ thuật pha trà. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)

Và đặc biệt là được thưởng thức một tiết mục đặc sắc “nhảy lửa truyền thống” của dân tộc Dao huyện Hoàng Su Phì.

Theo Ban tổ chức, trong thời gian 2 ngày từ tối 7 đến ngày 8/1, Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Su Phì sẽ tổ chức giới thiệu, quảng bá các sản phẩm và thương hiệu chè; các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và biểu diễn chương trình văn hóa, văn nghệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục