Ngày 17/8, Liên hợp quốc cho biết kể từ đầu năm đến nay đã có tổng cộng 62 nhân viên cứu trợ nhân đạo thiệt mạng khi thực hiện nhiệm vụ tại các khu vực xung đột trên khắp thế giới.
Theo Cơ sở dữ liệu an ninh về nhân viên cứu trợ của công ty tư vấn Humanitarian Outcomes, ngoài số người thiệt mạng trên còn có 84 nhân viên cứu trợ khác bị thương và 34 trường hợp bị bắt cóc.
[Nhân viên cứu trợ nhân đạo Liên hợp quốc thiệt mạng tại Sudan]
Trong năm ngoái, số nhân viên cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc bị thiệt mạng là 116 người.
Liên hợp quốc công bố số liệu trên trong bối cảnh chuẩn bị đánh dấu 20 năm kể từ vụ tấn công kinh hoàng xảy ra ngày 19/8/2003 nhằm vào trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố Baghdad (Iraq).
Vụ tấn công đã cướp đi sinh mạng 22 người, trong đó có ông Sergio Vieira de Mello, khi đó là Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền, đồng thời là người đứng đầu phái bộ Liên hợp quốc tại Iraq.
Liên hợp quốc đã lấy ngày 19/8 hàng năm là Ngày Nhân đạo thế giới để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ đánh bom tàn khốc này.
Trong nhiều năm qua, Nam Sudan được coi là nơi nguy hiểm nhất thế giới đối với nhân viên cứu trợ nhân đạo.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết từ đầu năm nay đến ngày 10/8 vừa qua, tại Nam Sudan đã xảy ra 40 vụ tấn công nhằm vào các nhân viên cứu trợ nhân đạo khiến 22 người thiệt mạng.
Tiếp theo là Sudan với 17 vụ tấn công cướp đi sinh mạng của 19 nhân viên cứu trợ. Đây là các con số cao chưa từng thấy kể từ cuộc xung đột Darfur (Sudan) từ năm 2006-2009.
Ngoài ra, nhiều nhân viên cứu trợ nhân đạo cũng thiệt mạng tại các quốc gia khác gồm Cộng hòa Trung Phi, Mali, Somalia, Ukraine và Yemen.
Theo các tổ chức phi chính phủ, hằng năm hơn 90% số người thiệt mạng trong các vụ tấn công nhằm vào nhân viên cứu trợ là người địa phương.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths nhấn mạnh số nhân viên cứu trợ nhân đạo bị thiệt mạng hằng năm trong khi làm nhiệm vụ nhiều hơn gần gấp 6 lần số người không qua khỏi trong vụ đánh bom liều chết nhằm vào trụ sở Liên hợp quốc ở Baghdad năm 2003, trong đó chủ yếu là người địa phương.
Trong bối cảnh tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng, Liên hợp quốc cho biết đang nỗ lực hỗ trợ gần 250 triệu người sinh sống tại những khu vực xảy ra khủng hoảng. Con số này lớn gấp 10 lần so với hồi năm 2003./.