Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 26/4 đã kêu gọi các phe phái đối địch ở Nam Sudan nhanh chóng thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, sau khi thủ lĩnh phiến quân Riek Machar trở về thủ đô Juba và nhậm chức Phó Tổng thống cùng ngày.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Liu Jieyi (Lưu Kết Nhất), hiện giữ chức chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng Tư, cho biết 15 nước ủy viên hội đồng đã nhất trí kêu gọi sớm thành lập một chính phủ chuyển tiếp ở Nam Sudan và các bên cần thực thi đầy đủ thỏa thuận hòa bình đã ký năm 2015 nhằm khôi phục nền hòa bình lâu dài, hòa giải dân tộc và tái thiết đất nước.
Trước đó, ông Machar đã tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống thứ nhất của Nam Sudan ngay sau khi về Juba ngày 26/4, hơn 2 năm sau khi chạy khỏi thành phố này.
Sự trở về của ông Machar - vốn là Phó Tổng thống dưới quyền Tổng thống đương nhiệm Salva Kiir (Xan-va Kia) và sau đó trở thành thủ lĩnh phiến quân - đánh dấu một bước quan trọng trong nỗ lực quốc tế thúc đẩy Chính phủ Nam Sudan và phiến quân thực thi thỏa thuận hòa bình ký hồi tháng 8/2015.
Thỏa thuận này nhằm chấm dứt cuộc nội chiến giữa quân đội của Tổng thống Salva Kiir và lực lượng nổi dậy trung thành với ông Machar.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và người đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Nam Sudan Herve Ladsous nhận định việc thủ lĩnh phiến quân Machar trở về Juba “mở ra một giai đoạn mới, cho phép bắt đầu triển khai thỏa thuận hòa bình.”
Ông Ladsous nhấn mạnh điều quan trọng nhất là các bên có cơ hội chứng tỏ thực sự quyết tâm hướng tới thực thi tiến trình hòa bình.
Theo thỏa thuận hòa bình 2015, ông Machar sẽ giữ chức Phó Tổng thống dưới quyền Tổng thống đương nhiệm Salva Kiir trong chính phủ chuyển tiếp với thời hạn 30 tháng cho đến khi tổ chức cuộc tổng tuyển cử.
Phó Đại sứ Nam Sudan tại Liên hợp quốc Joseph Moum Malok cho biết chính phủ chuyển tiếp có thể sẽ được thành lập “trong một hoặc hai ngày sau khi tiến hành tham vấn với tất cả các bên ở Nam Sudan.”
Nam Sudan rơi vào nội chiến từ tháng 12/2013, sau khi bùng phát xung đột giữa quân đội của Tổng thống Kiir với lực lượng nổi dậy trung thành với cựu Phó Tổng thống Machar bị Tổng thống Kiir cáo buộc âm mưu đảo chính./.