LHQ kêu gọi ngăn chặn nguy cơ khủng bố hạt nhân

Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề nghị tiến hành một loạt hội nghị cấp cao để thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn nguy cơ khủng bố hạt nhân.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã đề nghị tiến hành một loạt hội nghị cấp cao để thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn các phần tử khủng bố tiếp cận các nguồn vật liệu hạt nhân và phóng xạ nhằm ngăn ngừa nguy cơ khủng bố hạt nhân.

Ông Ban Ki-moon đã phát biểu như vậy tại Hội nghị cấp cao về an ninh hạt nhân ở thủ đô Washington (Mỹ) ngày 13/4.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết mặc dù Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về ngăn chặn các hành động khủng bố hạt nhân đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua 5 năm trước đây, nhưng cho đến nay mới chỉ có 1/3 số nước thành viên Liên hợp quốc (65 quốc gia) phê chuẩn, khiến Công ước chưa thể có hiệu lực pháp lý quốc tế.

Liên hợp quốc sẵn sàng triệu tập hội nghị vào thời điểm thích hợp để tham khảo ý kiến các bên nhằm xem xét lại việc thực hiện Công ước và thúc đẩy tiến trình phê chuẩn Công ước.

Ông Ban Ki-moon cảnh báo một cuộc tấn công khủng bố hạt nhân sẽ làm thay đổi thế giới vĩnh viễn và gây ra những thiệt hại khổng lồ. Nếu không có hiệp ước về vật liệu phân rã hạt nhân có hiệu lực pháp lý và có thể kiểm chứng được, mọi nỗ lực khác chỉ là biện pháp nửa vời.

Vì vậy, cần minh bạch và kiểm đếm chính xác tất cả các kho tàng trữ vật liệu phân hạch cũng như cần một công cụ quốc tế đáng tin cậy để giám sát việc sản xuất các vật liệu này.

Ông Ban Ki-moon cho biết đích thân ông đã nhiều lần yêu cầu Hội nghị giải trừ quân bị ở Geneva (Thụy Sĩ) bắt đầu đàm phán ngay về hiệp định cấm sản xuất vật liệu phân hạch cho vũ khí hạt nhân hoặc các thiết bị nổ hạt nhân khác.

Ông cũng đề nghị triệu tập hội nghị quốc tế cấp bộ trưởng về vật liệu phân hạch trong kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng Chín tới ở New York, Mỹ.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề nghị tăng cường vai trò của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp hội nghị hàng năm cấp bộ trưởng để kiểm điểm thực hiện các cam kết không phổ biến hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân.

Ông khẳng định cần thúc đẩy tiến triển đồng thời cả hai tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến hạt nhân. Ông hoan nghênh Hiệp ước giảm vũ khí tiến công chiến lược START mới được Nga và Mỹ ký tuần trước là "bước ngoặt thật sự" và kêu gọi các nước chưa phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân nhanh chóng phê chuẩn hiệp ước này.

Ông cũng kêu gọi tất cả các nước tham dự Hội nghị kiểm điểm 40 năm thực hiện Hiệp ước không phổ biến hạt nhân vào tháng tới để khẳng định cam kết toàn cầu tiến tới một thế giới không hạt nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục