Theo phóng viên Thông tấn xã Việt nam tại Jakarta, Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 1/12 đã thông qua nghị quyết về hợp tác giữa các quốc gia trong việc bảo vệ người đi biển trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.
Nghị quyết do Indonesia khởi xướng này đã nhận được sự đồng thuận của 71 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và là nghị quyết đầu tiên liên quan đến thuyền viên và hoạt động quản lý luồng hàng hóa trên toàn cầu.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết nghị quyết trên có các nội dung đề nghị các nước xác định thuyền viên là "công nhân chính" hoặc công nhân ngành quan trọng trong việc thực hiện các điều khoản liên quan đến an toàn của thuyền viên, khuyến khích sự hợp tác của tất cả các bên để tạo thuận lợi cho việc đi lại, hồi hương cũng như việc thuyền viên tiếp cận các dịch vụ y tế.
[LHQ thông qua Nghị quyết về hợp tác ASEAN-LHQ do Việt Nam đề xuất]
Theo Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, nghị quyết này là bằng chứng rõ ràng về sự tiến bộ của Indonesia với tư cách là quốc gia hàng hải và quần đảo lớn nhất trong việc thúc đẩy hợp tác bảo vệ người đi biển, đặc biệt trước tác động của dịch COVID-19.
Nghị quyết này phù hợp với các nỗ lực của quốc tế nhằm khuyến khích tăng cường thương mại toàn cầu và vận tải biển thông suốt, trong bối cảnh lĩnh vực vận tải biển chiếm 80% sản phẩm thương mại thế giới và đóng một vai trò quan trọng trong việc đối mặt với những thách thức do dịch COVID-19, đặc biệt trong việc vận chuyển thuốc men, thiết bị y tế, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.
Hiện Indonesia là nước đứng thứ 3 thế giới về số lượng thủy thủ đoàn, sau Trung Quốc và Philippines. Theo số liệu của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), hiện trên thế giới có khoảng 2 triệu thuyền viên làm việc trên gần 1 triệu tàu thương mại và vận chuyển./.