Liên hợp quốc báo động về tình hình nhân đạo tại Dải Gaza

Sau một thập kỷ nằm dưới sự quản lý của lực lượng Hamas, điều kiện sống của 2 triệu người Palestine tại Dải Gaza ngày một xấu đi với tốc độ "nhanh hơn nhiều" so với dự đoán.
Liên hợp quốc báo động về tình hình nhân đạo tại Dải Gaza ảnh 1Một gia đình Palestine ở Gaza ngày 1/7. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Báo cáo của Liên hợp quốc công bố ngày 11/7 nhận định sau một thập kỷ nằm dưới sự quản lý của lực lượng Hamas, điều kiện sống của 2 triệu người Palestine tại Dải Gaza ngày một xấu đi với tốc độ "nhanh hơn nhiều" so với dự đoán.

Năm 2007, phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza sau một cuộc xung đột nội bộ Palestine. Israel đã tìm cách cô lập Hamas bằng cách phong tỏa vùng lãnh thổ này, theo đó hạn chế người dân cũng như hàng hóa ra vào.

Báo cáo trên do một số nhân viên Liên hợp quốc làm việc tại Dải Gaza soạn thảo, đánh giá tình hình nhân đạo tại Dải Gaza sau 10 năm dưới sự quản lý của Hamas.

Báo cáo này cập nhật một số chỉ số chủ chốt được đưa ra trong báo cáo hồi năm 2012, trong đó Liên hợp quốc dự đoán đến năm 2020 Dải Gaza sẽ trở thành vùng đất "không thể sống được" nếu các điều kiện sống ở đây không có sự cải thiện mang tính bước ngoặt.

Theo báo cáo trên, tại Gaza, các dịch vụ y tế tiếp tục xấu đi và cuộc sống của người dân tại đây ngày một khốn khó. Các mạch nước ngầm ven biển, nguồn nước duy nhất của Dải Gaza dự đoán sẽ cạn kiệt hoàn toàn vào năm 2020 nếu không có ngay những giải pháp xử lý. Việc tiếp cận các nguyên liệu cần thiết để giúp nền kinh tế Gaza, hạ tầng cơ sở và các dịch vụ cơ bản vẫn bị hạn chế nghiêm trọng. Nguồn cung cấp điện đã sụt giảm xuống chỉ còn 90MW, trong khi nhu cầu là 450MW.

Điểm sáng hiếm hoi là giáo dục, song chủ yếu nhờ các dịch vụ do cơ quan cứu trợ Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine cung cấp nhằm duy trì phổ cập giáo dục và giờ lên lớp trung bình của học sinh vẫn thấp.

Báo cáo kêu gọi Israel, chính quyền Palestine, Hamas và cộng đồng quốc tế có những hành động hướng tới nhiều khoản đầu tư phát triển bền vững hơn, khôi phục lĩnh vực sản xuất của Gaza, cải thiện quyền tự do đi lại cho cả người dân lẫn hàng hóa, cũng như tôn trọng nhân quyền và luật pháp quốc tế.

Điều phối viên của Liên hợp quốc về các hoạt động phát triển và viên trợ nhân đạo Robert Piper cho biết Dải Gaza "đang trượt dài trong tình trạng giảm phát triển" và cảnh báo "Gaza sẽ rơi vào tình cảnh bị cô lập và tuyệt vọng hơn nữa. Nguy cơ xung đột bùng phát trở lại và leo thang sẽ tăng lên, triển vọng hòa giải giữa người Palestine với nhau sẽ trở nên mờ mịt - và cùng với đó là triển vọng hòa bình giữa Israel và Palestine.”

Ngày 10/7, Liên hợp quốc và một số tổ chức phi chính phủ đã tiến hành chuyến đi tìm hiểu thực tế tới Gaza cùng với 9 thành viên thuộc cộng đồng ngoại giao của Australia, Canada, Liên minh châu Âu, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh, để tận mắt chứng kiến những tác động của sự phong tỏa và chia cắt đối với vùng lãnh thổ của Palestine suốt 10 năm qua.

[Thủ tướng Israel tuyên bố không muốn làm leo thang căng thẳng ở Gaza]

Trong một diễn biến liên quan, đặc phái viên của Qatar tại Dải Gaza Mohammed al-Amadi ngày 11/7 cho biết nước này đã quyết định cung cấp tài chính cho các dự án tại Dải Gaza của Palestine, hiện do phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát, bất chấp Saudi Arabia và các đồng minh cáo buộc Doha ủng hộ các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Phát biểu tại Dải Gaza cùng với một quan chức cấp cao của Liên hợp quốc, ông Amadi nói rằng Qatar sẽ tiếp tục tài trợ cho các dự án ở Gaza, bất chấp "lệnh phong tỏa" do các nước Arab áp đặt đối với Doha từ vài tuần trước.

Tại một cuộc họp báo, ông Amadi khẳng định Qatar đã và sẽ tiếp tục ủng hộ nhân dân Palestine và sẽ tiếp tục quá trình tái thiết Dải Gaza vì chính sách của Doha là hỗ trợ người dân.

Theo ông, Doha không ủng hộ Hamas mà chỉ ủng hộ phong trào này như là một phần của nhân dân Palestine. Qatar đã cam kết viện trợ 1 tỷ USD cho việc tái thiết Dải Gaza. Đây là khoản hỗ trợ lớn nhất mà một nước hứa hẹn tài trợ cho Dải Gaza./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục