Lo ngại nguy cơ gia tăng nguồn cung, giá dầu đi xuống phiên cuối tuần

Quan ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung dầu và những hoài nghi về hiệu quả của vắcxin ngừa COVID-19 tác động tiêu cực tới thị trường năng lượng trong phiên này.
Lo ngại nguy cơ gia tăng nguồn cung, giá dầu đi xuống phiên cuối tuần ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark của Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu tại thị trường châu Á sụt giảm trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 27/11, giữa bối cảnh nhiều thị trường trên thế giới bước vào kỳ nghỉ lễ Tạ ơn.

Quan ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung dầu và những hoài nghi về hiệu quả của vắcxin ngừa COVID-19 tác động tiêu cực tới thị trường năng lượng trong phiên này.

Chiều phiên 27/11, tại thị trường Tokyo, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 31 xu Mỹ (0,7%), xuống 47,49 USD/thùng, sau khi giảm 1,7% trong phiên giao dịch trước đó tại thị trường thế giới.

[Giá dầu thế giới ở mức cao nhất trong vòng 8 tháng qua]

Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) cũng giảm 1,02 USD (2,2%), xuống 44,69 USD/thùng.

Tuy vậy, cả hai loại dầu chủ chốt này đều tăng khoảng 6% trong cả tuần qua, sau khi hãng dược phẩm AstraZeneca cho biết vắcxin ngừa COVID-19 của hãng này có thể đạt hiệu quả thử nghiệm tới 90%, nối tiếp kết quả thử nghiệm tích cực của hai loại vắcxin khác trên thị trường.

Điều này giúp củng cố thêm lòng tin cho giới đầu tư về nỗ lực phát triển vắcxin nhằm dập tắt đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, một số nhà khoa học vẫn nghi ngờ về kết quả của các cuộc thử nghiệm vắcxin này.

Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho biết cuộc họp cấp bộ trưởng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi là nhóm OPEC+ vào ngày 30/11 tới được xem là tiền đề để các nhà giao dịch định hướng đầu tư.

OPEC+ đang nghiêng về khả năng trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng vào năm tới.

Trước đó, tổ chức này lên kế hoạch nâng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2021, tương đương 2% lượng tiêu thụ dầu toàn cầu, khi các quy định cắt giảm sản lượng được nới lỏng.

Việc gia tăng sản lượng tại Libya cũng góp phần tạo ra những lo ngại về nguy cơ dư thừa nguồn cung dầu toàn cầu, giữa lúc nhiều người vẫn phớt lờ các lệnh phong tỏa xã hội và hạn chế du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục