Lộ trình xóa sổ bệnh AIDS, lao, sốt rét của thế giới đang bị chậm lại

Đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến những nỗ lực xóa bỏ hoàn toàn bệnh AIDS, lao và sốt rét trên thế giới, khiến nỗ lực chống lại những căn bệnh này lần đầu tiên sụt giảm.
Lộ trình xóa sổ bệnh AIDS, lao, sốt rét của thế giới đang bị chậm lại ảnh 1Lấy mẫu máu để xét nghiệm HIV/AIDS tại một cơ sở y tế tại Zambia. (Ảnh: TTXVN phát)

Sau khi chịu hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 vào năm 2020, những nỗ lực chống AIDS, lao và sốt rét đã bắt đầu phục hồi vào năm ngoái, song thế giới với chưa quay lại đúng lộ trình để có thể xóa bỏ hoàn toàn những căn bệnh nguy hiểm này.

Đây là kết luận trong báo cáo năm 2022 của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét công bố ngày 12/9.

Báo cáo chỉ ra rằng những người được tiếp cận các phương pháp điều trị và những nỗ lực phòng ngừa các căn bệnh này đã phục hồi vào năm ngoái, sau khi sụt giảm lần đầu tiên trong gần 20 năm vào năm 2020.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét Peter Sands nhận định không phải mọi tiến bộ đều trở lại như cũ.

Phần lớn các quốc gia đã làm tốt công tác ứng phó song hiện vẫn còn nhiều người tử vong vì các căn bệnh này.

Cụ thể, số người được điều trị lao đã giảm 19% trong năm 2020 xuống còn 4,5 triệu người. Trong năm 2021, con số này đã tăng 12% lên 5,3 triệu người, vẫn dưới mức 5,5 triệu người trước đại dịch.

Trong khi số lượng các chương trình về sốt rét và AIDS cao hơn so với mức của năm 2019, ảnh hưởng của đại dịch khiến các nước vẫn đi chệch hướng trong nỗ lực xóa sổ các căn bệnh này vào năm 2030.

Ông Sands cũng cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.

Các bệnh truyền nhiễm thường nguy hiểm hơn với những người bị suy dinh dưỡng. Do đó, nhiều khả năng quỹ trên sẽ phải làm việc với các đối tác để hỗ trợ dinh dưỡng nhiều hơn nữa, từ đó giúp cứu sống nhiều người.

Báo cáo ước tính sự phối hợp của quỹ với các nước đã giúp cứu sống được 50 triệu người kể từ khi triển khai hoạt động vào năm 2002.

Kể từ tháng 3/2020, quỹ đã chi 4,4 tỷ USD để giảm bớt tác động của COVID-19 trong các lĩnh vực then chốt và chống đại dịch.

Nhằm duy trì hoạt động, quỹ đang đặt mục tiêu kêu gọi các chính phủ, tổ chức và lĩnh vực tư nhân hỗ trợ 18 tỷ USD trong 3 năm tới.

Hiện quỹ đã đạt được 1/3 mục tiêu đề ra và lên kế hoạch tổ chức hội nghị quyên góp trong những tuần tới.

Ước tính số tiền này sẽ giúp giảm 2/3 số ca tử vong do HIV, lao và sốt rét và cứu sống 20 triệu người.

[Cuộc chiến chống HIV/AIDS trên toàn cầu đứng trước nhiều thách thức]

Năm ngoái, quỹ đã cảnh báo rằng đại dịch đã tác động nghiêm trọng đến những nỗ lực xóa bỏ HIV, lao và sốt rét, khiến nỗ lực chống lại những căn bệnh này lần đầu tiên sụt giảm.

Theo báo cáo, số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV trong năm 2021 đã tăng 21,9% so với 1 năm trước đó lên 23,3 triệu người. Số người tiếp cận được các dịch vụ phòng ngừa tăng lên 12,5 triệu người trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 10 triệu người nhiễm virus không tiếp cận được với thuốc điều trị.

Tổng số ca tử vong liên quan đến AIDS giảm 50% kể từ năm 2010 xuống 650.000 ca vào năm 2021, con số này vẫn còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu giảm số ca tử vong xuống dưới 500.000 ca/năm vào năm 2020.

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến cuộc chiến chống bệnh lao, khi nhiều nguồn lực bị chuyển sang chống dịch.

Điều này đã khiến số người tử vong do lao trong năm 2020 đã lần đầu tiên tăng trong 1 thập kỷ với khoảng 1,5 triệu ca tử vong, khiến đây trở thành căn bệnh truyền nhiễm gây chết người thứ 2 trên thế giới sau COVID-19.

Tương tự, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn dịch vụ y tế, khiến số ca tử vong do sốt rét tăng 12% trong năm 2020 lên 627.000 người.

Tuy nhiên, các chương trình phòng ngừa bệnh sốt rét đã nhanh chóng phục hồi với 280 triệu ca nghi nhiễm được xét nghiệm, 148 triệu ca được điều trị năm 2021, 133 triệu màn chống muỗi được phân phát trên toàn cầu.

Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét được thành lập năm 2002 nhằm chống lại 3 căn bệnh hiểm nghèo này.

Quỹ có sự tham gia của nhiều chính phủ, cơ quan quốc tế, các đối tác song phương, các nhóm dân sự, những người bị ảnh hưởng bởi các căn bệnh này và lĩnh vực tư nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục