Lợi ích cho người sử dụng điện khi lắp đặt công tơ điện tử

Công tơ điện tử có độ chính xác cao hơn hẳn công tơ cơ, tiết kiệm điện năng hơn, tích hợp các công nghệ truyền thông hỗ trợ việc đọc chỉ số công tơ tự động từ xa
Trung tâm Điều khiển hệ thống điện tỉnh Quảng Trị (Tổng Công ty Điện lực miền Trung). (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Trung tâm Điều khiển hệ thống điện tỉnh Quảng Trị (Tổng Công ty Điện lực miền Trung). (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Thực hiện chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về minh bạch chỉ số công tơ điện, từ quý 2/2018, Công ty Điện lực thành phố Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên của EVNCPC sử dụng phần mềm hệ thống tra cứu chỉ số điện hàng ngày và cung cấp khách hàng sử dụng thử nghiệm.

Hệ thống này tự động cảnh báo sản lượng điện tiêu thụ hình thành trên cơ sở phát triển hệ thống đo xa.

Đến cuối năm 2018, cơ bản hệ thống đã hoàn tất với các chức năng chính như cập nhật chỉ số công tơ điện 4 lần/ngày, mỗi lần đo cách nhau 6 tiếng; Hiển thị sản lượng điện đã tiêu thụ trong kỳ, từ ngày đầu kỳ đến thời điểm gần nhất hệ thống thu thập được.

Cùng với việc tạm tính hóa đơn tiền điện theo sản lượng đã ghi nhận; Có biểu đồ so sánh sản lượng điện tiêu thụ, số ngày sử dụng điện, so với 2 tháng trước đó và cùng kỳ năm trước; công cụ còn tự động cảnh báo sản lượng điện vượt quá ngưỡng thiết lập (khách hàng tự thiết lập, có 2 cách tùy chọn vượt quá sản lượng điện thiết lập hoặc quá tỷ lệ % thiết lập so với tháng trước) gửi đến khách hàng qua email, SMS.

Ngoài ra hệ thống còn có các tiện ích bổ sung như tra cứu lịch tạm ngừng cung cấp điện tra cứu lịch sử nhận email, SMS; chức năng tính tiền điện trong kỳ đổi giá theo sản lượng của khách hàng; chức năng tính tiền điện theo sản lượng của khách hàng theo giá cũ và giá mới để so sánh mức tăng so với biểu giá cũ.

[EVN triển khai thực hiện giá bán lẻ điện và thị trường điện]

Đây là giải pháp cung cấp cho khách hàng công cụ tự theo dõi, kiểm tra hàng ngày chỉ số điện của gia đình, giúp khách hàng chủ động điều chỉnh kế hoạch sử dụng điện phù hợp; kịp thời phát hiện sản lượng điện tăng bất thường do rò rỉ, thất thoát điện năng; không gây phiền hà cho khách hàng khi ghi nhận chỉ số điện, đồng thời, xóa bỏ những thông tin tiêu cực, những thông tin suy diễn về việc không minh bạch chỉ số điện, ghi sai chỉ số điện…

Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) hiện đã lắp đặt 3.302.000 công tơ điện tử, chiếm 78,05% tổng số công tơ trên lưới điện trong khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

EVNCPC cũng đồng thời đã triển khai đo xa cho 13.700 trạm biến áp (TBA) công cộng với 2.533.220 công tơ sử dụng công nghệ đọc chỉ số từ xa qua sóng vô tuyến và gần 40.000 công tơ đọc bằng công nghệ modem 3G/GPRS, chiếm 61,2% tổng số công tơ.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2019, EVNCPC sẽ lắp đặt công tơ điện tử cho 91,3% số khách hàng, triển khai thu thập chỉ số công tơ từ xa cho 79,5% khách hàng.

Bà Lê Thị Phương Cầm, Trưởng ban Kinh doanh EVNCPC cho biết, kể từ khi lắp đặt công tơ điện tử vào năm 2011, sau khi nghiên cứu, thử nghiệm trên lưới, tìm kiếm công nghệ, thiết kế, sản xuất phải mất hơn 10 năm.

Đến cuối năm nay, trên địa bàn 13 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên do Tổng công ty quản lý sẽ có thêm Khánh Hòa với tổng số 378.800 khách hàng và Kon Tum (143.600 khách hàng) sẽ hoàn thành áp dụng 100% công tơ điện tử đo xa.

Đến năm 2020 sẽ có thêm Thừa Thiên Huế và hơn một nửa các công ty điện lực của EVNCPC áp dụng 100% công tơ điện tử đo xa.

Theo bà Cầm, việc triển khai công tơ điện tử và thu thập chỉ số công tơ từ xa đã đem lại rất nhiều hiệu quả cho công tác sản xuất kinh doanh điện năng ở EVNCPC.

Cụ thể, công tơ điện tử có độ chính xác cao hơn, công suất tiêu thụ của bản thân công tơ thấp dẫn đến tiết kiệm điện năng, tích hợp các công nghệ truyền thông hỗ trợ việc đọc chỉ số công tơ tự động từ xa.

Việc thực hiện đo xa giúp giảm nhân công ghi chỉ số điện, giảm nguy cơ tai nạn lao động trong ghi chỉ số và quản lý công tơ, đồng thời việc ghi chỉ số được chính xác, góp phần tăng năng suất lao động.

Số liệu công tơ đo đếm thu thập từ xa cũng kịp thời phục vụ việc tính hóa đơn tiền điện, giám sát và giảm tổn thất điện năng, giám sát chất lượng điện năng, tính toán và cải thiện các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện, giám sát tình trạng vận hành của TBA và đường dây giúp nâng cao độ an toàn lưới điện.

Qua đó, phát hiện nhanh các trường hợp gian lận điện năng và bất thường của hệ thống đo đếm. Đây là công cụ hữu hiệu để dự báo phụ tải, nghiên cứu phụ tải, đối soát sản lượng điện tiêu thụ phục vụ thị trường điện.

Công tơ điện tử còn giúp cải thiện khâu minh bạch số liệu và giao tiếp với khách hàng, cung cấp đầy đủ công cụ để khách hàng tự kiểm tra và điều chỉnh việc sử dụng điện nhằm mục đích tiết kiệm năng lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục