Long An hướng đến nông thôn mới nâng cao: Thành quả từ sự đồng lòng

Long An hiện đã có 106/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, diện mạo làng quê khởi sắc, hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, trạm y tế, chợ, nhà văn hóa đạt chuẩn.
Nhà cửa khang trang cùng hệ thống đường liên ấp, liên thôn được bê tông hóa, hệ thống điện lưới được kéo đến từng hộ dân ở xã nông thôn mới Tân Tây, huyện Thạnh Hóa - xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2022. (Ảnh: Minh Hưng- TTXVN)
Nhà cửa khang trang cùng hệ thống đường liên ấp, liên thôn được bê tông hóa, hệ thống điện lưới được kéo đến từng hộ dân ở xã nông thôn mới Tân Tây, huyện Thạnh Hóa - xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2022. (Ảnh: Minh Hưng- TTXVN)

Nằm ở cửa ngõ nối liền khu vực Đông Nam Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh những bứt phá trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, Long An còn là một trong những địa phương đạt được nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới, từng bước hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Long An được thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, tránh sự dàn trải, "rập khuôn" dẫn đến hiệu quả thấp. 

Bài 1: Thành quả từ sự chung sức, đồng lòng

Thiết thực, cụ thể và hiệu quả, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trên địa bàn Long An được triển khai nhất quán theo quan điểm xây dựng nông thôn mới là phải nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn.

Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở nông thôn được đầu tư đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa.

Kinh tế nông thôn phát triển mạnh, môi trường, cảnh quan, không gian làng quê luôn sáng, xanh, sạch, đẹp, giữ được những nét văn hóa đặc trưng của không gian nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long thanh bình, thoáng đãng.

Phát huy vai trò chủ thể của người dân

Theo đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, hiện nay Long An đã có 106/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Diện mạo làng quê có nhiều đổi thay đáng kể, hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, trạm y tế, chợ nông thôn, nhà văn hóa ở hầu hết các xã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn.

Có được kết quả này, theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, thực tế xây dựng nông thôn mới cũng như hướng đến nông thôn mới nâng cao ở Long An cho thấy, chỉ có phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân thì xây dựng nông thôn mới mới thực sự thành công.

Người dân vừa là chủ thể tham gia, đồng thời là người thụ hưởng chính những thành quả của nông thôn mới, chung tay, góp sức gìn giữ và tiếp tục nâng chất các tiêu chí.

Điểm đáng chú ý là, để thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân một cách thực chất, hiệu quả, cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, đoàn thể ở Long An đã tích cực tuyên truyền, giúp người dân hiểu đúng ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, giải thích để người dân hiểu quá trình xây dựng nông thôn mới Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, còn vai trò chính vẫn là người dân. Khi thông suốt được vấn đề này, người dân sẽ chủ động, tích cực tham gia đóng góp và không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước.

Trong quá trình triển khai, mỗi địa phương đều nhất quán với phương châm, tạo điều kiện để người dân thực hiện tốt "3 tự" là tự quản, tự bàn bạc và tự quyết định xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.

Chính quyền các cấp xác định "công khai, minh bạch" là cốt lõi nhằm phát huy tính dân chủ ở cơ sở và luôn tạo điều kiện để người dân có quyền quyết định việc sử dụng, giám sát nguồn vốn do mình đóng góp. Từ đó, người dân mới tích cực tham gia đóng góp xây dựng từng hạng mục của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh, chắc chắn, thận trọng, phù hợp với điều kiện từng địa phương, từng hộ dân đối với xây dựng nông thôn mới. Tiếp đó là, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, việc huy động sức dân cần đặc biệt chú ý vừa sức, từng bước, tránh nóng vội.

[Long An: Nhiều giải pháp phục hồi du lịch sau dịch COVID-19]

Nhờ cách triển khai hợp lý, đồng bộ, thời gian qua việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, vai trò chủ thể của người dân đã được phát huy một cách thực chất, góp phần đưa xây dựng nông thôn mới của Long An trở thành phong trào sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Qua 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (2010-2020), toàn tỉnh đã huy động được trên 123.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 10,5%; vốn doanh nghiệp, nhân dân góp và vốn tín dụng đạt tới 89,5%.

Nói về vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới, lão nông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng ban Quản lý làng nghề trồng mai xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa chia sẻ, Tân Tây là xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên ở huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười này.

Thời điểm bắt tay xây dựng nông thôn mới, nhiều điều còn rất mới, rất lạ với người dân. Nhưng, nhờ cách tổ chức khoa học, kiên trì tổ chức các buổi họp, sinh hoạt đoàn thể để giải thích, tạo sự đồng thuận cao trong dân, tuyệt đối không có sự áp đặt.

Từ đó, bà con ở các ấp trong xã đã đồng thuận, tự nguyện đóng góp gần 22 tỷ đồng để chung tay xây dựng từng con kênh nội đồng, từng tuyến đường đến các vùng sản xuất với ý thức trách nhiệm và niềm vui như xây dựng công trình cho chính gia đình mình.

Giải bài toán nâng cao thu nhập

Trong xây dựng nông thôn mới, cùng với nỗ lực thực hiện các tiêu chí liên quan đến hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, chợ nông thôn, Long An đặc biệt chú trọng việc cải thiện, nâng cao thu nhập cho người nông dân từ ruộng đồng, mảnh đất quê hương.

Bởi lẽ, mục đích của xây dựng nông thôn mới không gì khác là làm cho đời sống người nông dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng đẹp, thanh bình.

Để giải bài toán này, tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi Long An, tỉnh đã xác định 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười, vùng sản xuất thanh long tại huyện Châu Thành, vùng sản xuất rau tại các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, thành phố Tân An và vùng chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ.

Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương hỗ trợ nông dân thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng cường xúc tiến thương mại, giám sát chuỗi sản phẩm an toàn, tạo thuận lợi cho truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa.

Long An hướng đến nông thôn mới nâng cao: Thành quả từ sự đồng lòng ảnh 1 Ông Nguyễn Văn Vĩnh ở ấp Long Thành, xã Long Trì (Châu Thành, Long An) đã ứng dụng công nghệ cao vào trồng thanh long cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Kết quả trên đã góp phần quan trọng tăng thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của tỉnh từ mức 15,6 triệu đồng/người vào năm 2010 lên mức trên 60 triệu đồng/người ở thời điểm hiện tại. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh cũng giảm nhanh, chỉ còn 1,16% năm 2020 (năm 2019 tiỷ lệ này là 2,21%).

Nằm ở phía Nam tỉnh Long An, huyện Châu Thành là địa phương có xuất phát điểm khá thấp trước khi bước vào xây dựng nông thôn mới. Song, huyện đã chọn đúng điểm nhấn là nâng cao thu nhập cho người dân bằng thế mạnh sản xuất nông nghiệp của địa phương từ xây dựng vùng chuyên canh cây thanh long.

Đến nay, huyện nông thôn mới Châu Thành được biết đến như một "thủ phủ thanh long" của tỉnh. Đặc sản thanh long Châu Thành đã trở thành sản phẩm nổi tiếng ở cả thị trường trong nước và trên thế giới, được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tạo thuận lợi đáng kể cho việc phát triển thương hiệu sản phẩm, tăng lợi nhuận, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Phấn khởi giới thiệu về vườn trồng thanh long rộng hơn 6.000 m2 được "thiết kế" hệ thống theo dõi độ ẩm thông minh từ xa, các van tưới nước tự động giúp tiết kiệm cả điện năng và lượng nước tiêu thụ, lão nông Nguyễn Văn Vĩnh ở ấp Long Thành, xã Long Trì, huyện Châu Thành, chia sẻ, Long Trì bây giờ đã đổi thay nhiều so với những năm trước.

Người dân ở đây cũng như khách đến thăm không còn kêu "đường sao xấu dữ;" thương lái đến thu mua thanh long cho xe vào tận vườn và còn được chào đón bởi những con đường hoa nở rực rỡ.

Canh tác theo công nghệ cao, tiết kiệm chi phí sản xuất, đường giao thông thuận lợi cho kết nối giao thương đã giúp những nông dân trồng thanh long như ông Vĩnh ở xã Long Trì nâng cao đáng kể nguồn thu nhập, lợi nhuận thu được mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng từ việc trồng thanh long công nghệ cao đã không còn là chuyện hiếm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục