Lữ hành quốc tế “vẽ đường” cho du lịch Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế "vẽ đường" cho du lịch Việt trong bối cảnh lượng khách nước ngoài đến Việt Nam tăng nhanh.


Ngành du lịch Việt Nam sắp khép lại một năm “bội thu” với lượng khách quốc tế lập kỷ lục: 11 tháng đã cán mốc hơn 5,4 triệu lượt (trong khi đó cả năm 2010 mới đón 5 triệu lượt khách). Với con số này, ngay lập tức lãnh đạo ngành du lịch đã yêu cầu toàn ngành dốc tổng lực để năm 2011 có thể đạt đỉnh mới 6 triệu lượt khách quốc tế. Đây là một mục tiêu hoàn toàn có cơ sở. Bởi chỉ trong tháng 11, lượng khách đã tăng thêm gần 0,6 triệu lượt (từ 4,8 triệu lượt vào tháng 10), nếu tiếp tục đà này mốc 6 triệu không khó chinh phục. Đương nhiên, có được kết quả này cũng là nhờ sự hỗ trợ đắc lực của các công ty lữ hành quốc tế gửi khách đến Việt Nam thời gian qua.
Người bạn thân lữ hành quốc tế…
Với lịch sử hơn 50 năm, ngành Du lịch Việt Nam từ khi hình thành mới có một công ty Du lịch, đến nay đã phát triển 1.000 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hàng nghìn doanh nghiệp lữ hành nội địa, vận chuyển, lưu trú du lịch.

Đặc biệt, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng nhanh qua các thời kỳ, “từ 250 nghìn lượt khách năm 1990, đến 1 triệu năm 1994, 2 triệu năm 2000, 3 triệu năm 2005 và 5 triệu năm 2010. Dự kiến năm 2011 sẽ vượt mục tiêu với lượt khách thứ 6 triệu,” Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

Thành công đó, theo Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đánh giá, là nhờ các hãng lữ hành quốc tế đã chung tay góp sức cùng với ngành Du lịch Việt Nam tạo nên dấu ấn đầy ý nghĩa.
Lữ hành quốc tế “vẽ đường” cho du lịch Việt Nam ảnh 1
Du khách quốc tế khó lòng bỏ qua vẻ đẹp Vịnh Hạ Long - Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+
“Các hãng lữ hành quốc tế chính là những người bạn thân thiết của du lịch Việt Nam, là cầu nối giữa các quốc gia, châu lục để đưa du khách đến với đất nước Việt Nam an toàn, thân thiện, mến khách,” Bộ trưởng nhấn mạnh. Theo đó, có thể kể đến các lữ hành quốc tế gửi khách đến Việt Nam vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tôn vinh, tiêu biểu như: Voyageurs Du Monde, Der Tour, HIT Voyager, S.I Tour,  Thomas Cook, West Line Travel, Anna Tour, China Travel Service, ST World With US Travel... Các công ty này đến từ khắp các khu vực (Đông Bắc Á, châu Âu, Đông Nam Á-Australia-Hoa Kỳ) với số lượng khách  đưa đến Việt Nam tăng hàng ngàn lượt mỗi năm. Như Voyageurs Du Monde năm 2011 đã đưa hơn 1.500 lượt khách quốc tịch Pháp đến Việt Nam với địa điểm chính là Vịnh Hạ Long... Cũng bởi, hạ tầng du lịch, cơ sở dịch vụ, cơ sở lưu trú ngày càng được nâng cao về chất lượng và số lượng cũng giúp lữ hành quốc tế thêm tin tưởng để chủ động kết nối với các hãng lữ hành nội địa trong việc đưa đón khách tới Việt Nam. Ngoài ra, “sản phẩm du lịch được đầu tư theo hướng đa dạng hóa, trọng tâm trọng điểm, phát triển theo chiều sâu và chú trọng phát triển thương hiệu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế. Việt Nam đang trở thành điểm đến thân thiện và hấp dẫn với khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới,” ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định.
… Vẽ đường cho du lịch Việt
Tuy du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử nhưng Tuấn cũng thừa nhận rằng, những thành tựu và kết quả đạt được thời gian qua của du lịch Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh phát triển. Về vấn đề này, Giám đốc kinh doanh Công ty Voyageurs Du Monde (Pháp) bà Amard Marie Juliette đồng quan điểm khi cho rằng, các sản phẩm du lịch của Việt dù tiến bộ hàng năm về số lượng và chất lượng nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng sẵn có. Theo bà Amard, du lịch Việt Nam hiện mới quan tâm đến mảng du lịch “tĩnh” như những thế mạnh về bãi biển, danh thắng, di sản... mà “quên” khai thác mảng du lịch “động” (sản phẩm du lịch kém phong phú cũng như đa dạng hóa các loại hình dịch vụ còn bỏ ngỏ...) Bà Amard có gợi ý, chẳng hạn nếu được chú trọng khai thác thêm mảng du lịch mạo hiểm, du lịch môi trường theo chiều sâu, Việt Nam chắc chắn sẽ thu hút được nhiều khách hơn nữa.
Lữ hành quốc tế “vẽ đường” cho du lịch Việt Nam ảnh 2
Và khu phố cổ Hội An lung linh về đêm - Ảnh: ChiLê/Vietnam+
Cơ hội đang ngày càng rộng mở với du lịch Việt Nam. Bởi lẽ, như giáo sư chuyên Marketing kiêm giảng viên mời của CFVG (Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh) Frédéric Jallat nói: “Những năm gần đây, các trung tâm phát triển du lịch của thế giới đang chuyển rất nhanh từ châu Âu, Bắc Mỹ (với các thị trường dẫn đầu là Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha…) sang thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam.” Khác với bà Amard, ông Jallat lại cho rằng vấn đề cần phải “làm mạnh” lúc này của du lịch Việt Nam chính là cải thiện chất lượng dịch vụ đón tiếp khách hàng. Theo đó, mỗi cá nhân phải nâng cao thái độ, cách ứng xử cũng như hành vi để phát triển tư duy dịch vụ, nhằm cải thiện mối quan hệ với khách hàng. Với khách du lịch nước ngoài, nụ cười thể hiện sự hiếu khách và đôi khi sẽ giúp họ quyết định có nên quay trở lại đất nước đó nữa hay không, ông Jallat chia sẻ. Chung quan điểm với hai chuyên gia nước ngoài, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Trịnh Hồng Quang cũng thông tin thêm, theo dự báo của tổ chức du lịch quốc tế, khách du lịch trên thế giới đang có xu hướng thay đổi, chuyển dần sang khu vực Đông Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Năm 2010, Đông Á-Thái Bình Dương đã vượt châu Mỹ trở thành khu vực đứng thứ 2 trên thế giới, sau châu Âu về đón khách du lịch quốc tế với thị phần trên 22%, dự báo đến năm 2020 là 27%. Trong đó, du lịch các nước Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng trong khu vực Đông Á–Thái Bình Dương, hiện nay chiếm 36% lượng khách và 38% thu nhập du lịch toàn khu vực. “Dự báo đến năm 2020, khu vực Đông Nam Á sẽ đón 125 triệu lượt khách quốc tế với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010–2020 là 6%/năm, cao hơn mức bình quân của thế giới,” ông Quang cho biết./.
ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục