Luồng gió mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ

Liên tiếp trong những ngày qua, thế giới được chứng kiến những thay đổi được đánh giá là bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Washington. Bước ngoặt ở đây được hiểu là những thay đổi mang tính đột phá trong quan hệ quốc tế của chính quyền Tổng thống Barack Obama so với thời tiền nhiệm George W.Bush.

Liên tiếp trong những ngày qua, thế giới được chứng kiến những thay đổi được đánh giá là bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Washington. Bước ngoặt ở đây được hiểu là những thay đổi mang tính đột phá trong quan hệ quốc tế của chính quyền Tổng thống Barack Obama so với thời tiền nhiệm George W.Bush.

Có lẽ giới phân tích đã không quá lạc quan khi sử dụng cụm từ "từ đối đầu sang đối thoại" để miêu tả những thay đổi đáng hứa hẹn này của Washington.

Từ đối đầu

Không quá khó khăn để liệt kê ra đây những "đối thủ" mà Mỹ phải đối đầu trên trường quốc tế.

Tại khu vực Vùng Vịnh, đó là một Iran đầy thách thức với chương trình hạt nhân gây tranh cãi, đó là một đất nước I-rắc còn muôn vàn trắc trở trên con đường tái thiết, ổn định tình hình an ninh nội bộ.

Tại Nam Á, đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của tàn quân Taliban tại Afghanistan, đe dọa nghiêm trọng các nỗ lực bình ổn của lực lượng ổn định hòa bình quốc tế do Mỹ đứng đầu.

Tại Đông Bắc Á, đó là một Bình Nhưỡng kiên định với những cảnh báo cứng rắn đối với nước láng giềng Hàn Quốc, một trong những đồng minh chủ chốt của Mỹ tại khu vực. Kèm theo đó là những tuyên bố về một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà nước Mỹ nằm trong "tầm ngắm".

Và xuyên Đại Tây Dương, "đối thủ" của Mỹ chính là quan hệ đóng băng nhiều năm qua với Nga liên quan tới kế hoạch triển khai lá chắn phòng thủ chống tên lửa (NMD) của Washington tại Đông Âu.

Sang đối thoại

Chuyến công du tám ngày tại ba lục địa vừa qua của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã phác họa một bức tranh khá chi tiết và cụ thể với những gam màu sáng về chính sách của Mỹ đối với các "đối thủ" tại các "điểm nóng". Nếu như tại châu Âu, với các nước lâu nay vẫn là đồng minh của Mỹ, bà Hillary khẳng định thông điệp chính quyền Obama muốn bắt tay với các nước bạn, thì đối với các đối thủ, thông điệp ở đây chính là sự thỏa hiệp.

Với Iran, Ngoại trưởng Hillary đã tuyên bố muốn mời Tehran tham gia hội nghị về Afghanistan, dự định tổ chức ngày 31/3 tới, bất chấp những bất đồng về vấn đề hạt nhân. Bà cũng cho biết Mỹ sẵn sàng hoan nghênh các ý tưởng và khuyến nghị của Nga về chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này. Động thái trên thể hiện sự mềm dẻo của chính quyền Obama trong điều chỉnh quan hệ với Iran, từ đó hé mở tia sáng hai bên có thể từng bước tìm được tiếng nói chung trong vấn đề hạt nhân.

Quan hệ Nga-Mỹ đã ghi nhận những tín hiệu "phá băng" khi tại Geneva, Thụy Sĩ, Ngoại trưởng Hillary đã cùng người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ''bấm nút'' kích hoạt trở lại quan hệ song phương. Liên quan tới NMD, bà Hillary đã mời Nga cùng tham gia kế hoạch triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa của Washington tại Đông Âu, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên có thể hoàn tất Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Tiến công Chiến lược (START) mới trong năm nay.

Không chỉ quan tâm đến các đối thủ, chuyến công du của bà Hillary cũng tạo ra nhịp cầu mới với các đồng minh qua lời hứa củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn đã bị nhiều thử thách dưới thời Tổng thống Bush.

Đó là Hillary với chuyến đi đầy thông điệp thiện chí, còn trong nước, Tổng thống Obama cũng đưa ra những tuyên bố tích cực khi khẳng định không loại trừ khả năng đối thoại với tàn quân Taliban tại Afghanistan.

Và trong lúc Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa thử tên lửa tầm xa, Đặc phái viên mới của Mỹ về vấn đề Triều Tiên, ông Stephen Bosworth, khẳng định Mỹ muốn đối thoại với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Độ quay 180

Sở dĩ nói vậy là vì so với những chính sách của Tổng thống tiền nhiệm Bush, liên tiếp những động thái trên của chính quyền Obama đã chứng tỏ một sự khác biệt không thể phủ nhận. Cũng có thể mạnh dạn mà nói rằng ông Obama và êkíp mới của mình đang nỗ lực điều chỉnh quan hệ với phần còn lại của thế giới theo chiều hướng tích cực hơn, mềm dẻo và linh hoạt hơn.

Tám năm cầm quyền của ông Bush đã cho thấy sự cứng rắn không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả, mà đôi khi còn là phản tác dụng. Iran và Triều Tiên là một minh chứng hùng hồn. Tiếp đến là Afghanistan - quân sự không mang lại bình yên cho quốc gia Nam Á này, mà trái lại, chỉ càng kích động lực lượng nổi dậy. Trong quan hệ với Nga cũng vậy. Mỹ cần sự hỗ trợ của Mátxcơva trong khâu tiếp vận hậu cần cho lực lượng ở Afghanistan và vấn đề hạt nhân của Iran, nước mà Nga vẫn duy trì được mối quan hệ khá cân bằng. Nhượng bộ NMD được coi là "một mũi tên trúng hai đích" của Washington trong quan hệ với Mátxcơva.

Thời gian sẽ kiểm nghiệm tính hiệu quả trong các đề xuất và những điều chỉnh của Washington về cách tiếp cận mới với những vấn đề đã trở thành nỗi ám ảnh của chính quyền Mỹ trong những năm gần đây. Song, rõ ràng chính sách ngoại giao mới mẻ này đang thổi một luồng gió dễ chịu và cởi mở, khác hẳn với thái độ khép kín theo chủ nghĩa đơn cực, suy tôn Mỹ là cực duy nhất trên thế giới của chính quyền tiền nhiệm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục