Lý do người Mỹ quan tâm đến cuộc chiến ở Ukraine

Các chương trình tin tức của các kênh phát thanh truyền hình truyền thống của Mỹ đưa Ukraine lên hàng đầu trong chương trình nghị sự, cạnh tranh để phỏng vấn và cử các nhà báo nổi tiếng đến khu vực.
Lý do người Mỹ quan tâm đến cuộc chiến ở Ukraine ảnh 1Người dân Ukraine sơ tán tránh chiến sự tại thành phố Irpin, phía Tây Bắc Kyiv, Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng thehill.com, với cuộc đụng độ giữa quân đội Nga và các máy bay chiến đấu Ukraine đang tập trung ở Mariupol, sự chú ý của thế giới vẫn tập trung cao độ vào cuộc chiến kinh hoàng này - hoặc có vẻ như vậy.

CNN hiếm khi cắt ngắn bản tin về chiến sự ở Ukraine để đưa tin về vấn đề khác. Tập đoàn truyền thông này hiện có 75 phóng viên ở Ukraine.

Kênh Fox News cũng đang có lượng khán giả tăng đột biến do phủ sóng tin tức về Ukraine - tăng 26% về lượng người xem so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng các phương tiện truyền thông sẽ tập trung đưa tin được bao lâu khi mà cuộc chiến được dự báo có thể kéo dài trong nhiều tháng?

[Mỹ cân nhắc về việc cung cấp tài chính bổ sung cho Ukraine]

Cho đến nay, khán giả Mỹ vẫn theo dõi sát sao cuộc chiến ở Ukraine. Theo xếp hạng của Nielsen, thời điểm bắt đầu nổ ra chiến tranh, CNN, FOX và MSNBC có trung bình 6,4 triệu lượt người xem trong khung giờ vàng, tăng thêm 2,5 triệu người so với lượng khán giả theo dõi trung bình vào khung giờ này trong năm.

Điều ngạc nhiên lớn là các chương trình tin tức của các kênh phát thanh truyền hình truyền thống cũng đưa Ukraine lên hàng đầu trong chương trình nghị sự, cạnh tranh để phỏng vấn và cử các nhà báo nổi tiếng đến khu vực.

Theo Tyndall Report, một bản tin báo chí theo dõi các chương trình tin tức hằng đêm, Ukraine đã được ABC, CBS và NBC đưa tin nhiều hơn so với dự kiến của các nhà phân tích truyền thông do mức độ đưa tin về chính sách đối ngoại ngày càng giảm trong nhiều thập kỷ và lỗ hổng tin tức nhỏ đối với các câu chuyện thời sự quốc tế trong bản tin 30 phút vào buổi tối.

Theo báo cáo của Tyndall, cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, ba kênh truyền hình lớn trên của Mỹ trung bình có tổng thời lượng phát sóng khoảng 3.600 phút hằng năm cho các câu chuyện quốc tế.

Đến năm 2010, mức độ phủ sóng chỉ còn khoảng 1.200 phút - ít hơn ba lần.

Ukraine đã được “ưu tiên” phủ sóng nhiều trên truyền hình hơn trong tháng đầu tiên so với cuộc nội chiến ở Syria trong cả năm.

Tại sao một cuộc chiến không có quân đội Mỹ tham chiến trên bộ lại thu hút được sự quan tâm như vậy?

Trước hết là vấn đề địa lý. Nhiều người Mỹ là hậu duệ của người châu Âu. Họ so sánh cuộc chiến Ukraine hiện nay với Chiến tranh thế giới thứ nhất hoặc Chiến tranh thế giới thứ hai và coi cuộc xung đột này là một thảm họa toàn cầu tiềm ẩn.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, niềm tin vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tăng lên và sự ủng hộ dành cho Nga đã giảm bớt. Cứ 10 người Mỹ thì có 7 người coi Nga là kẻ thù.

Tháng trước, khoảng 67% người Mỹ bày tỏ quan điểm ủng hộ NATO, tăng so với 61% trong năm 2021.

Thứ hai là vai trò của ngoại giao công chúng và cá nhân. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thay mặt quốc gia trực tiếp xuất hiện, kêu gọi và vận động công chúng quốc tế ủng hộ Ukraine.

Ông đã trả lời phỏng vấn những người dẫn chương trình truyền hình, phát biểu trực tuyến trước nghị viện các nước và Quốc hội Mỹ, và xây dựng hình ảnh của chính ông như một nhân vật anh hùng giống như Churchill. Chiến lược này đang thành công.

Theo Pew, 72% số người Mỹ tin tưởng Zelensky - cao hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nước ngoài nào khác hiện nay.

Hầu hết người Mỹ (92%) ít hoặc không tin tưởng vào cách xử lý các vấn đề toàn cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thứ ba là bản chất thay đổi của các phương tiện truyền thông - người Mỹ nhận tin tức khi nào và ở đâu. Năm 2021, gần một nửa số người trưởng thành ở Mỹ cho biết họ “nạp” tin tức từ mạng xã hội, trong đó Facebook đứng đầu danh sách.

Mạng xã hội tạo ra một nguồn cấp dữ liệu tin tức được tích hợp sẵn về mối quan tâm của công chúng được chia sẻ, đăng tải và đăng lại, tạo ra một "buồng vang" thông tin của riêng nó.

Cuối cùng là quyền truy cập. Ukraine đã tiếp đón và tổ chức cho các nhà báo tham quan các thành phố bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, cho phép các thị trưởng và quan chức thành phố địa phương nhận lời phỏng vấn báo chí quốc tế, về cơ bản cho phép các nhà báo tự do đi lại ở Ukraine. Cho đến nay, 6 nhà báo đã thiệt mạng khi đưa tin về cuộc chiến ở Ukraine.

Châu Âu cũng có thể tiếp cận với các phương tiện truyền thông. Ba Lan, nơi đón tiếp số lượng lớn người tị nạn chạy trốn khỏi Ukraine, luôn mở cửa cho các phương tiện truyền thông đưa tin, cùng với các nước láng giềng.

Khi các nhà báo có quyền truy cập không hạn chế, họ sẽ sử dụng quyền đó để khai thác thông tin. Đó là lý do tại sao quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin đóng cửa các phương tiện truyền thông độc lập và trục xuất các nhà báo nước ngoài đã phản tác dụng.

Mạng xã hội đang tiếp cận một số người Nga trong nước, với Telegram có thể vượt qua sự kiểm duyệt của nhà nước, nhưng các nguồn lực truyền thông không được dành cho Moskva.

Nhưng liệu sự phủ sóng này trên tất cả các phương tiện truyền thông có kéo dài?

Chiến tranh lấn át những câu chuyện khác. Có tương đối ít thông tin về cuộc điều tra ngày 6/1, biến đổi khí hậu hoặc cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022. Donald Trump ngày càng ít xuất hiện trên truyền thông hơn. COVID-19, vốn thống trị các bản tin trong hai năm qua, hầu như không còn được đề cập đến, ngoại trừ mức tăng đột biến số ca nhiễm gần đây.

Theo thời gian, những câu chuyện không phải về Ukraine sẽ trở lại trên sóng khi sự chú ý đối với cuộc chiến ở Ukraine giảm dần. Khoản đầu tư khổng lồ để đưa tin trên các phương tiện truyền thông của Ukraine có thể khó duy trì.

Mùa Hè thường khiến mọi người phải ra ngoài trời và tránh xa TV. Cảm giác tự do sau đại dịch cũng sẽ khiến người Mỹ háo hức quay trở lại cuộc sống như trước đây.

Các nhà báo phải đảm bảo rằng Ukraine không trở thành câu chuyện bị lãng quên sau khi cuộc giao tranh lớn kết thúc và quá trình tái thiết đất nước đầy khó khăn bắt đầu.

Bạo lực khiến người xem bị cuốn hút, nhưng thật khó kiên nhẫn theo dõi tiến trình đàm phán ngoại giao hoặc khi việc tiếp cận các thị trấn và thành phố trở nên khó khăn. Các phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh cũng diễn ra chậm và khó bao quát.

Cuối cùng, người xem cần nhớ rằng sự tham gia của chúng ta vào cuộc chiến ở Ukraine là rất quan trọng, ngay cả khi chỉ với tư cách là những người quan sát cuộc xung đột. Chúng ta cần phải tiếp tục tham gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục