Lý do Trump rút lại lời đe dọa đóng cửa biên giới Mexico

Tổng thống Mỹ rút lời đe dọa đóng cửa biên giới với Mexico để ngăn dòng người nhập cư bất hợp pháp, trong bối cảnh sức ép từ các công ty lo ngại việc đóng cửa biên giới gây hỗn loạn chuỗi cung ứng.
Lý do Trump rút lại lời đe dọa đóng cửa biên giới Mexico ảnh 1Người di cư Trung Mỹ vượt đoạn sông Tijuana để tới cửa khẩu El Chaparral, gần biên giới Mỹ-Mexico. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng Reuters/AP, ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút lại lời đe dọa đóng cửa biên giới miền Nam nước Mỹ để ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp, trong bối cảnh sức ép từ các công ty lo ngại rằng việc đóng cửa biên giới sẽ gây ra sự hỗn loạn cho các chuỗi cung ứng.

Trước đó, ngày 29/3, Tổng thống Trump đã lên tiếng đe dọa đóng cửa biên giới trong tuần này nếu Mexico không hành động.

Ông nhắc lại lời cảnh báo nhưng nói rằng ông vẫn chưa đưa ra quyết định: "Chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra trong những ngày tới."

Việc đóng cửa biên giới có thể gây cản trở hàng triệu người qua lại hợp pháp và làm thiệt hại hàng tỷ USD trong hoạt động giao thương.

Các công ty sản xuất ô tô đã cảnh báo Nhà Trắng rằng việc đóng cửa biên giới sẽ dẫn tới sự “nhàn rỗi” của các nhà máy Mỹ bởi chúng phụ thuộc vào những bộ phận lắp ráp được sản xuất ở Mexico.

Phòng thương mại Mỹ, nhóm vận động thương mại lớn nhất của Mỹ, đã có cuộc tiếp xúc với Nhà Trắng để thảo luận về “những hậu quả kinh tế rất tiêu cực mà sẽ tràn qua đất nước này," ông Neil Bradley, nhà vận động hành lang hàng đầu của nhóm này, đã nói với các phóng viên qua điện thoại.

Ông Trump ca ngợi những nỗ lực của Mexico ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp từ Trung Mỹ vào biên giới phía nam của chính nước này.

Ngày 1/4, chính phủ Mexico nói nước này sẽ giúp kiểm soát dòng người di cư.

"Mexico, như bạn biết, ngày hôm qua đã bắt đầu bắt giữ nhiều người ở biên giới phía nam cố tìm cách vào nước này từ Honduras, Guatemala và El Salvador và họ thực sự đang bắt giữ hàng nghìn người," Trump nói với các phóng viên hôm 2/4.

Chính phủ Mexico đã không công khai số liệu bắt giữ nhưng một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết nước này hàng ngày cung cấp thông tin mới nhất cho chính quyền Trump, bao gồm cả số người bị bắt giữ.

"Họ nói họ sẽ ngăn chặn dòng người di cư. Chúng ta hãy chờ xem. Họ có quyền lực và luật pháp để làm vậy," Trump nói.

Trì hoãn

Tổng thống Trump đã đấu tranh với nạn nhập cư bất hợp pháp từ Mexico và Trung Mỹ, coi đây là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của mình nhưng việc đóng cửa một trong những biên giới tấp nập nhất thế giới có thể là một bước đi quá xa, thậm chí đối với cả nhiều nghị sỹ đảng cộng hòa.

[Phương án mới của chính quyền Trump đối phó với làn sóng di cư]

Lãnh đạo Thượng viện thuộc đảng Cộng hòa Mitch McConnell đã đứng về phe với các nghị sỹ đảng Dân chủ khi lên tiếng cảnh báo, phản đối Trump về động thái này.

Ông McConnell đã phát biểu với các phóng viên tại Quốc hội hôm 2/4"Đóng cửa biên giới có thể sẽ có tác động kinh tế thảm khốc đối với đất nước chúng ta và tôi hy vọng chúng ta sẽ không làm điều đó."

Một nhóm đại diện cho các công ty General Motors, Ford Motor và Fiat Chrysler Automobiles NV nói trong một tuyên bố rằng "bất kỳ hành động nào cản trở thương mại tại biên giới sẽ làm tổn thương đến nền kinh tế Mỹ, đặc biệt trong ngành công nghiệp sản xuất ôtô."

Hàng chục nhà máy sản xuất ôtô, động cơ, hộp truyền số và các bộ phận khác có thể sẽ phải đóng cửa do thiếu các bộ phận lắp ráp sau khi đóng cửa biên giới.

Nó cũng sẽ khiến cho hàng nghìn ôtô được sản xuất tại Mexico biến mất trong showroom của các nhà bán lẻ Mỹ.

Các nhà sản xuất ôtô đã xuất khẩu gần 2 triệu chiếc do Mexico sản xuất vào Mỹ trong năm 2018, chiếm 15% tất cả các loại xe được bán ở đất nước này. Một số hãng như Chevrolet Blazer SUV chỉ sản xuất tại Mexico.

Các nhà bán lẻ cũng nâng mức báo động về nguy cơ đóng cửa biên giới. "Đây sẽ là nỗi đau tự mình gây ra chưa từng có," ông David French, Phó chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia nhấn mạnh.

"Chúng tôi vẫn sẽ lo lắng về điều này và chúng tôi đang nói chuyện với các công ty về khả năng gây sức ép trực tiếp với Nhà trắng."

Biên giới ách tắc

Các quan chức cấp cao của Bộ an ninh nội địa Mỹ (DHS) ngày 2/4 cho biết việc tái triển khai khoảng 750 sỹ quan tại biên giới để giải quyết nạn nhập cư gia tăng đã dẫn đến tình trạng ách tắc tại các bến cảng ảnh hưởng đến hoạt động thương mại.

"Thời gian chờ đợi ở Brownsville (Texas) là khoảng 180 phút, lâu gấp hai lần so với năm ngoái," một quan chức cấp cao của DHS nói với các phóng viên qua điện thoại.

"Chúng tôi đã kết thúc ngày làm việc hôm qua tại Otay Mesa (California) với 150 trường hợp chưa thể giải quyết," vị quan chức này nói.

Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard ngày 2/4 nói rằng tình trạng tắc nghẽn đang gây cản trở giao thương tại vùng biên giới Mỹ-Mexico.

Ông cho biết chính phủ Mexico đã thay đổi quyết liệt chiến lược di cư của mình sau những lời đe dọa đóng cửa biên giới của Tổng thống Trump.

Theo các quan chức DHS, các nhà tạm ở biên giới đã không còn đủ chỗ cho các gia đình tìm kiếm tị nạn, chạy trốn khỏi đói nghèo và bạo lực ở khu vực Trung Mỹ.

Cơ quan Bảo vệ biên giới và hải quan Mỹ ước tính rằng trong tháng ba khoảng 100.000 người di cư đã bị chặn lại hoặc bắt giữ tại biên giới, mức cao nhất trong một thập kỷ."

Do bởi hạn chế về thời gian giam giữ trẻ em, nhiều gia đình đã được thả để chờ tòa án nhập cử Mỹ xét xử, một tiến trình có thể mất nhiều năm do sự tồn đọng kéo dài.

Để cố gắng giải quyết vấn đề này, chính quyền Trump hồi tháng 1 vừa qua đã bắt đầu gửi một số người di cư tại các thành phố biên giới Mexico để chờ ngày tòa án Mỹ xét xử.

Ngày 1/4 vừa qua, DHS cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện chương trình đó, bất chấp những thách thức từ tòa án.

Ưu tiên lớn nhất của Bộ trưởng DHS Kirstjen Nielsen là phải tìm kiếm hành động từ Quốc hội để thay đổi luật nhập cư, một quan chức DHS nói.

Bà đã gửi một bức thư lên Quốc hội vào tuần trước, nhắc lại các yêu cầu của chính quyền Trump, bao gồm cả đề nghị nhanh chóng trục xuất các trẻ em từ Trung Mỹ vượt biên không có bố mẹ đi cùng.

Theo luật hiện hành, những trẻ em không đến từ các nước láng giềng của Canada và Mexico được nhận sự quan tâm của các nhà bảo trợ ở Mỹ, mà Nielsen gọi đó là “những nhân tố nguy hiểm” thu hút những người di cư.

Những người ủng hộ di cư và một số nghị sỹ đảng Dân chủ trong Quốc hội phản đối những thay đổi pháp lý đề xuất, họ cho rằng những thay đổi này sẽ khiến những đứa trẻ dễ bị tổn thương phải trở về quê hương và đối mặt với tình thế nguy hiểm.

Tổng thống Trump cho biết ông đã nói chuyện với một vài nghị sỹ đảng Dân chủ về những đề xuất của chính phủ và theo ông, “họ đang thay đổi quan điểm"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục