Ngày 1/11, bác sỹ Amar Singh HSS dẫn số liệu của Bộ Y tế Malaysia cho biết, từ ngày 1/9-30/10, số người chưa tiêm chủng và mới được tiêm 1 mũi chiếm 71,7% tổng số người tử vong vì COVID-19, trong đó có 4.076 người (tương đương 53,4%) chưa tiêm chủng và 1.401 người (tương đương 18,3%) mới được tiêm 1 mũi.
Trong một phát biểu với tờ Malaysia Insight ngày 1/11, bác sỹ Amar Singh cho rằng thực tế nêu trên cho thấy hiệu quả của việc tiêm chủng đầy đủ trong việc làm giảm các trường hợp nhập viện và tử vong.
Hiện nay, số người chưa tiêm chủng chỉ chiếm một nhóm nhỏ, nhưng lại là nhóm có số ca tử vong cao nhất. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể bị nhiễm COVID-19 và gây tử vong.
[Malaysia mua vaccine Pfizer cho trẻ, Indonesia giảm giá xét nghiệm PCR]
Số liệu cho thấy từ ngày 1/9-30/10, ở Malaysia có 2.159 người (tương đương 28,3%) tử vong vì COVID-19 dù đã được tiêm chủng đầy đủ.
Cho nên, các chuyên gia khuyến nghị vẫn cần phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang, sát khuẩn hay giãn cách xã hội.
Bác sỹ Amar Singh cho biết thêm, trong số những người đã tiêm chủng đầy đủ tử vong vì COVID-19, số người tiêm vaccine Sinovac có tỷ lệ cao nhất, chiếm 72,8% (1.573 người).
Vì thế, theo bác sỹ Amar Singh, những người trên 60 tuổi có bệnh nền đã tiêm vaccine Sinovac nên tiêm liều tăng cường bằng vaccine mRNA.
Nguyên nhân là do vaccine mRNA như Pfizer hay Moderna hiệu quả hơn đối với biến thể Delta, còn vaccine Sinovac dường như không hiệu quả trong việc chống lại biến thể Delta và đã dẫn đến sự gia tăng về số ca nhập viện cũng như tử vong.
Đối với các loại vaccine khác, bác sỹ Amar Singh cho biết Pfizer đã được sử dụng để tiêm cho 52,1% dân số Malaysia, cao hơn so với mức 39% của vaccine Sinovac, nhưng chỉ có 550 người đã tiêm đầy đủ tử vong vì COVID-19 và 75% trong số đó là từ 60 tuổi trở lên, 94% có bệnh nền.
Vaccine AstraZeneca hiện được sử dụng để tiêm cho 8% dân số Malaysia và chỉ có 36 ca đã tiêm đầy đủ vaccine này tử vong vì COVID-19, chiếm 1,7%./.