Malaysia mua vaccine Pfizer cho trẻ, Indonesia giảm giá xét nghiệm PCR

Theo số liệu thống kê chính thức của Chính phủ Malaysia, khoảng 62% thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi tại nước này đã được tiêm phòng đầy đủ.
Malaysia mua vaccine Pfizer cho trẻ, Indonesia giảm giá xét nghiệm PCR ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh. (Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)

Ngày 29/10, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết nước này sẽ xúc tiến mua vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech để tiêm chung cho trẻ em, sau khi ủy ban cố vấn của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến nghị sử dụng vaccine này cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Trong khuyến nghị, ủy ban trên cho biết lợi ích của loại vaccine này nhiều hơn rủi ro. Hiện FDA chưa đưa ra quyết định về việc này.

Trong một bình luận trên mạng Twitter, ông Jamaluddin cho biết có những lựa chọn khác, như vaccine của công ty công nghệ sinh học Sinovac (Trung Quốc), cũng sẽ được cân nhắc sử dụng để đảm bảo trường học mở cửa an toàn trở lại.

Theo số liệu thống kê chính thức của Chính phủ Malaysia, khoảng 62% thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi tại nước này đã được tiêm phòng đầy đủ.

[Bộ Giáo dục Malaysia sẽ phạt giáo viên từ chối tiêm vaccine]

Tại Indonesia, chính phủ tiếp tục giảm giá xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) trong nỗ lực kiểm soát đại dịch COVID-19.

Thông tư của Bộ Y tế Indonesia cho biết kể từ ngày 27/10, giá trần xét nghiệm PCR được ấn định ở mức 275.000 Rupiah (19,4 USD) đối với các tỉnh và thành phố thuộc đảo Java và Bali, và 300.000 Rupiah đối với các địa phương còn lại.

Tổng cục trưởng Dịch vụ y tế thuộc Bộ Y tế Indonesia, ông Abdul Kadir cho biết việc giảm giá xét nghiệm từ mức trần 495.000-550.000 Rupiah được thực hiện theo chỉ thị của Tổng thống Joko Widodo.

Trước đó, Bộ Y tế Indonesia đã phối hợp với Cơ quan Giám sát tài chính và phát triển (BPKP) tiến hành đánh giá tổng quan các chi phí đầu vào xét nghiệm PCR, bao gồm chi phí dịch vụ, nhân lực, thuốc thử và vật tư tiêu hao, cũng như chi phí quản lý và các chi phí khác.

Bộ đã giao các cơ quan quản lý y tế cấp huyện, thành phố giám sát thực thi thông tư mới, theo đó, các cơ sở vi phạm sẽ bị phạt tiền, tạm ngừng hoạt động, thậm chí bị rút giấy phép kinh doanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục