Malaysia mở điểm tiếp nhận trẻ sơ sinh bị bỏ rơi

Điểm tiếp nhận đầu tiên Malaysia này có mục đích giúp các bà mẹ hoang thai không vứt, hay thậm chí giết bỏ những sinh linh vô tội.
Tổ chức phi chính phủ OrphanCARE của Malaysia đã mở một điểm đón nhận trẻ sơ sinh đầu tiên để cứu vớt những đứa trẻ bị người sinh ra chúng chối bỏ trong bối cảnh nhà cầm quyền nước này đang tìm cách đối phó với tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngày càng gia tăng.

Mô hình này được thực hiện giống như các dịch vụ đã được áp dụng tại Đức, Nhật Bản và Pakistan. Cơ sở này sẽ cho phép các bà mẹ hoang thai, mang con mình tới bỏ tại nơi tiếp nhận, được đặt tại trụ sở của OrphanCARE ở Petaling Jaya, bang Selangor, miền Trung Malaysia.

Điểm tiếp nhận có một cánh cửa nhỏ, bên trong có một chiếc nôi để các bà mẹ cho con vào đó. Khi cánh cửa đóng lại, tiếng chuông lập tức kêu, báo hiệu cho các nhân viên của tổ chức phi chính phủ này biết vừa có người bỏ con.

Bộ trưởng Các vấn đề phụ nữ, Phát triển gia đình và cộng đồng Malaysia Shahrizat Abdul Jalil nói rằng dịch vụ này của OrphanCARE là để giúp các bà mẹ sinh con ngoài ý muốn không vứt, hay thậm chí giết bỏ những sinh linh vô tội chứ hoàn toàn không phải để khuyến khích quan hệ tình dục trước hôn nhân.

Theo con số thống kê chính thức, từ năm 2005-2009 đã có 407 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở Malaysia, một quốc gia Đông Nam Á với 28 triệu dân. Chỉ riêng trong tháng Tư năm nay, đã có 24 trẻ bị bỏ rơi được ghi nhận.

Tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ven đường hoặc tại các thùng rác được báo chí đưa tin gia tăng trong những tháng gần đây đã làm các nhà lập pháp đau đầu và khiến họ phải đưa ra những kiến nghị hết sức gay gắt rằng mang "thiến" tất cả những ông bố của những đứa trẻ bị bỏ rơi. Hồi tháng Ba người ta đã tìm thấy thi thể một bé trai bị vứt bên vệ đường bị chó hoang cắn nát cánh tay trái.

Hầu hết các bà mẹ bỏ con đều là các thiếu nữ còn rất trẻ, có người còn đang ở độ tuổi vị thành niên. Trình độ hiểu biết của họ về hôn nhân và tình dục rất hạn chế và mỗi khi gặp rắc rối, họ rất hoang mang và không biết cách xử trí vấn đề nên vô cùng lúng túng với những đứa trẻ mà họ đã chót sinh ra./.

Thanh Thủy/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục