Mầm non Mầm Xanh đã từng bị tố bạo hành nhưng thiếu bằng chứng

Đại điện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, cơ sở mầm non Mầm Xanh từng bị tố cáo bạo hành trẻ em từ trước đó nhưng cơ quan chức năng kiểm tra không có bằng chứng để xử lý cơ sở này sớm hơn.
Mầm non Mầm Xanh đã từng bị tố bạo hành nhưng thiếu bằng chứng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: dpshots.com)

Liên quan đến vụ việc trẻ em bị bạo hành ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh), trao đổi với phóng viên ngày 27/11, đại điện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết cơ sở mầm non này từng bị tố cáo bạo hành trẻ em trước đó nhưng cơ quan chức năng đã không có bằng chứng để xử lý cơ sở này sớm hơn.

Tiến hành kiểm tra sức khỏe cho trẻ

Ngày 26/11, báo Tuổi Trẻ có bài điều tra phản ánh nhiều trẻ từ 3-5 tuổi tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh bị chủ cơ sở và hai bảo mẫu tại đây bạo hành. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết ngay chiều ngày 26/11, Ủy ban nhân dân phường Hiệp Thành đã tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh.

[Đình chỉ hoạt động lớp mẫu giáo tư thục có giáo viên bạo hành trẻ]

Theo ông Đặng Hoa Nam, khi phát hiện vụ việc và tạm đình chỉ hoạt động, cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh đang chăm sóc 36 trẻ em, trong đó có tới 11 cháu từ 18-26 tháng tuổi và 25 cháu từ 3-5 tuổi. Số lượng trẻ em tương đối nhiều và trẻ tại đây chủ yếu là con công nhân sinh sống trên đị bàn quận 12.

Ngay chiều 26/11, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí ​Minh để có biện pháp hỗ trợ cho cha mẹ, trẻ em bị bạo hành.

Ông Đặng Hoa Nam cho biết thêm, để hỗ trợ cho trẻ em, cha mẹ các em, Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh) đã cử cán bộ xuống phối hợp tư vấn địa phương về phương án giải quyết theo Luật Trẻ em, Luật Giáo dục. 

Sáng nay 27/11, cán bộ trung tâm và địa phương đã gặp gỡ trẻ em và gia đình các em để cập nhật thêm thông tin, triển khai kiểm tra, tư vấn tâm lý, giới thiệu chuyển trẻ đến các trung tâm y tế để kiểm tra sức khỏe nếu bố mẹ thấy trẻ có biểu hiện bất thường và hỗ trợ chuyển trẻ đến các cơ sở giáo dục khác.

Các cơ quan chức năng đã triển khai các biện pháp bảo vệ cho trẻ em là nạn nhân của bạo hành kịp thời ngay sau khi có thông tin, bằng chứng cho thấy các em bị bạo hành. Phía cơ quan công an đang thu thập chứng cứ để có thể tiến hành điều tra tuy tố trước pháp luật.

Nghi vấn bạo hành trẻ nhưng không bị xử lý

Đáng lưu ý, cơ sở này hoạt động có cấp phép hợp pháp nhưng trước đây từng bị tố cáo có biểu hiện bạo hành trẻ, cơ quan chức năng của quận 12 đã đến kiểm tra nhưng chưa có bằng chứng cụ thể nên chưa tiến hành xử lý.Vụ việc chỉ bị phát giác khi có những video bạo hành trẻ em được công bố vào chiều ngày 26/11.

Từ sự chậm trễ trong việc phòng chống bạo hành trẻ em, ông Đặng Hoa Nam cho rằng cần xem xét lại quy định cấp phép trông giữ trẻ, đặc biệt là các cơ sở mầm non phải thường xuyên đặt dưới sự giám sát của cha mẹ, các cơ quan chức năng như phòng giáo dục, cơ quan chính quyền địa phương để phòng ngừa hành vi bạo hành, xâm hại trẻ trong môi trường trường học đóng kín. Đặc biệt, với những cơ sở có nghi vấn bạo hành trẻ em thì càng phải có yêu cầu cụ thể, chi tiết làm sao để có hệ thống kiểm soát trẻ thường xuyên.

“Hiện nay nhiều trường mầm non công khai lắp đặt camera và bố mẹ hoàn toàn kiểm tra việc chăm sóc trẻ em bất kỳ lúc nào. Đây là biện pháp tốt mà không quá đắt đỏ với công nghệ thông tin, giá thành hiện nay. Việc kiểm tra giám sát thường xuyên cũng là điều tốt cho cơ sở giáo dục, giáo viên vì có bằng chứng hiển nhiên, công khai bảo vệ đội ngũ giáo viên trước những tai nạn thương tích ngoài mong đợi, ý muốn của giáo viên. Đây là biện pháp công khai minh bạch để bảo vệ cả giáo viên và trẻ em,” ông Đặng Hoa Nam nói.

Giáo viên mầm non bạo hành, đánh đập trẻ không còn là câu chuyện mới. Trên thực tế, có nhiều vụ việc những người trông giữ trẻ ở mầm non bị xử lý hình sự vì gây hậu quả nặng nề cho trẻ .

“Theo hệ thống pháp luật dù dân sự hay hình sự thì hành vi xâm hại trẻ em đều bị áp dụng xử phạt ở khung hình phạt cao nhất vì tính đến các tình tiết tăng nặng, bạo hành với trẻ càng nhỏ thì tình tiết tăng nặng càng cao,” ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục